Mẹ có tự hào về con không?
Mọi sự cố gắng của bạn, dẫu là trong công việc, tình yêu, tiền bạc hay kiếm tìm hạnh phúc, một lúc nào đó rồi cũng sẽ đơm hoa kết trái. Đừng từ bỏ những điều, hoặc những con người bạn quý trọng trong đời.
Cuối mỗi năm, hầu hết các doanh nghiệp đều tổ chức buổi vinh danh những nhân viên xuất sắc, thường là những người đã đóng góp đặc biệt và vượt qua các chỉ số hiệu suất (KPI). Có khi tôi tham dự như một khách mời, có khi lại là người phải đứng ra tổ chức cho doanh nghiệp mà tôi đang làm việc.
Mỗi người một vị trí
Trong những dịp như vậy, tôi luôn chăm chú lắng nghe lời bình về những người xuất sắc bước lên sân khấu. Sau đó, tôi thầm quan sát những người đang bận rộn chạy đi chạy lại sau hậu trường, cũng như những người ngồi im lặng dưới đám đông, không quá quan tâm đến ai đang đứng dưới ánh đèn, và cả những người không được xướng danh.
Chúng ta thường bị cuốn hút bởi những cá nhân xuất chúng và nổi tiếng. Trong mọi doanh nghiệp và môi trường làm việc, luôn có những người được sinh ra như để dẫn đầu, có những phẩm chất giúp họ nổi bật hơn người khác.
Thật dễ hiểu khi công nhận họ qua thành tựu, những kỷ lục không ai làm được, và họ là niềm tự hào của gia đình.
Ngược lại, cũng có những nhóm người làm việc một cách lặng lẽ, chăm chỉ và nhẫn nại ở những vị trí xa xa trên những cây số cuối cùng. Những người hiểu rõ rằng họ không đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua thi thố của cuộc sống.
Họ không mang lại vinh quang, và thậm chí thất bại của họ cũng không làm ai quan tâm. Điểm chung của những con người này là họ hành động không phải vì sự chú ý hay đánh giá từ người khác, ai đang trông chờ vào họ, ai trao nhiệm vụ, mà vì họ tin rằng đó là cách họ nên sống, vì cuộc sống của họ, không phải để đại diện cho bất kỳ ai khác.
Nỗ lực để làm gì?
Người ta thường hỏi: Nỗ lực để làm gì và sao phải nỗ lực nhiều như thế?
Không ai muốn làm cha mẹ thất vọng. Không một nhân viên nào đến công ty mà không mang theo ước mơ về sự thành công. Không một mối tình nào trao đi mà không kì vọng được đáp lại.
Trên đường đua không đích đến, chẳng ai muốn trải qua cảm giác bị so sánh, đặc biệt là khi mình luôn ở thế thua – những người cuối đường đua. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng trong thế giới này và xã hội hiện nay, trong khi chúng ta cố gắng, và từ cuộc vật lộn hằng ngày, chúng ta sẽ bắt đầu so sánh nỗ lực của chúng ta với ai đó, thang đo so sánh người này với người kia, hoặc tự so sánh trong vô thức với chính bản thân mình.
Thay vì thúc đẩy bản thân tiến bộ, chúng ta thường cảm thấy mình mãi ở dưới chân núi và tự ti. Những lời khen, sự công nhận thông qua lời nói thường trở thành bằng chứng về thành công, hoặc đơn giản hơn, là cách để phủi sạch những nỗ lực và cố gắng từ bản thân, hoặc của người khác.
Sự nhìn nhận từ người thân
Cha mẹ áp dụng phương pháp “con nhà người ta” để thúc đẩy con cái, nhưng đôi khi kết quả lại hoàn toàn ngược lại, khiến con càng đuối sức, vì cha mẹ ít chịu để ý, nhìn nhận cố gắng của con mình.
Hay thỉnh thoảng, cái cách mà người ta yêu đối xử tốt với chúng ta cũng chính là thứ mà anh ấy, cô ấy luôn khao khát được nhận, được công nhận.
Tôi từng xem bộ phim “The Sixth Sense” câu chuyện về Cole Sear, một cậu bé 8 tuổi bị ám ảnh bởi khả năng nhìn thấy linh hồn. Gần như không ai tin hoặc chia sẻ với Cole, thậm chí cả người mẹ yêu thương cậu. Điều này khiến Cole luôn cảm thấy cô đơn, lạc lõng và sống trong nỗi sợ hãi.
Một ngày, Cole quyết định kể sự thật cho mẹ về nỗi sợ đầy tuyệt vọng của mình. Trước sự nghi ngờ của mẹ, cậu bắt đầu kể về bà ngoại đã mất.
“Bà muốn con nói với mẹ…”
“Cole, đừng nói nữa…”
“Bà ngoại luôn bên cạnh Mẹ. Bà ngoại nói rằng bà đã xem Mẹ nhảy. Bà nói, hồi Mẹ còn nhỏ, Bà và Mẹ đã cãi nhau trước buổi diễn. Mẹ nghĩ Bà không tới xem.
Nhưng Bà ngoại đã đến, bà đã trốn ở phía sau cánh gà để Mẹ không nhìn thấy. Bà nói, lúc ấy Mẹ trông như một thiên thần. Bà nói, Mẹ đã đến mộ của Bà và hỏi Bà một câu. Bà cũng trả lời Mẹ rằng…: “Mỗi ngày”.
“Mẹ đã hỏi gì vậy?”
“Mẹ có khiến Bà tự hào không?”
Sau đó, người mẹ của cậu đã òa khóc.
Thực tế, những bà mẹ của chúng ta thường dễ tự hào. Đôi khi, họ tự hào hơn cả chúng ta về bản thân mình. Ví dụ, mẹ vui khi con hát hay, hay khi đơn giản là khi chúng ta sống hạnh phúc và làm việc chăm chỉ. Điều này đủ để làm mẹ cảm thấy tự hào và không đòi hỏi thêm bất kỳ điều gì khác.
Tôi từng nghe nỗi lòng của một người cha nhìn những đứa con phải đi xa lập nghiệp. Ông nói, chúng có cuộc đời của chúng trong thế giới bao la, dù nhớ nhung chúng biết mấy, nhưng cuộc đời là vậy.
Có những bậc cha mẹ tôi biết khi gặp khó khăn không dám nói chuyện với con cái vì sợ làm phiền, vì sợ con không có tiền, hoặc thậm chí vẫn lo lắng rằng “nó không thể tự lo được” dù những đứa con đã ở tuổi trưởng thành.
Nỗ lực đến khi nào là điểm dừng?
Tôi chợt liên tưởng đến cuộc đời của mẹ tôi. Sau này, khi là một người mẹ, tôi mới nhận thấy rằng, những câu chuyện về mẹ tôi đã chất đầy trong tâm hồn mình, không bao giờ vơi cạn.
Cuộc sống thường nhật của mẹ tôi cứ lặp đi lặp lại, không có điểm ngừng. Những lời nói hằng ngày của mẹ, những lời mà khi còn ở bên mẹ thời thơ ấu, tôi chẳng bao giờ nghĩ sâu xa, thậm chí đôi khi tôi còn xem như chuyện phiếm, những khi suy ngẫm, lại dội ngược lên tâm trí tôi như những con sóng cuộn trào.
Khi gia đình lâu ngày mới gặp mặt, lúc mọi người đang ngồi quây quần quanh bàn ăn trò chuyện với nhau về những chuyện thời sự nóng hổi, thì mẹ vẫn phải cặm cụi làm đồ ăn để bưng ra, vẫn phải lau chùi chén đĩa, giặt giũ phơi phóng.
Lẽ ra, chúng tôi phải giúp mẹ những công việc không ngơi nghỉ, sớt chia những cố gắng cật lực vì dành cho chúng tôi những gì tốt đẹp nhất, tuy mẹ chưa một lần được ở trong hoàn cảnh thuận lợi.
Mặc dù vậy, chính mẹ lại luôn là người vỗ về chúng tôi mỗi khi chúng tôi trở về nhà, và bất cứ khi nào có những chuyện không hay xảy đến trong cuộc sống.
Sống của cuộc đời của chính mình
Có một câu nói ở đâu đó, khi có tình yêu thì người ta cảm thấy có được tất cả, và khi có được những thứ khác mà không có tình yêu, thì lại giống như không có bất kỳ điều gì. Tôi chỉ đang nghĩ, khi pháo hoa chiếu sáng bầu trời vào dịp cuối năm, những nhân viên lặng lẽ ở vị trí xa xa, những người phụ nữ làm công việc nội trợ toàn thời gian ngoài kia, những người đứng sau nhiều thành công của rất nhiều ai đó, ai sẽ nói lên lời công nhận với cảm xúc tràn ngập tự hào?
Bạn có thực sự cần đến sự công nhận để sống của cuộc đời của chính mình hay không?
Đừng từ bỏ những điều, hoặc những con người bạn quý trọng trong đời, bởi vì không có tiếng vỗ tay. Điều bạn cần, chính là sự kiên trì, viên mãn với từng nấc thang đủ đầy trong tim mình, chứ không phải khán giả.
Mọi sự cố gắng của bạn, dẫu là trong công việc, tình yêu, tiền bạc hay kiếm tìm hạnh phúc, một lúc nào đó rồi cũng sẽ đơm hoa kết trái.
Bởi chưa có ai từng chết đuối trong mồ hôi và tình yêu của chính mình cả!
Phạm Thị Ngọc Duẩn
Theo dõi
Xin hãy đăng nhập để bình luận
0 Góp ý