Chủ đề
Máy trải nghiệm đau đẻ có cơ chế như thế nào?
Gần đây, mạng xã hội được phen xôn xao trước thông tin một thanh niên ở Trung Quốc bắt buộc phải cắt bỏ một đoạn ruột non vì bị ép trải nghiệm đau đẻ suốt 3 giờ đồng hồ. Điều này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn: Trải nghiệm này đau đớn đến mức nào?

Cắt bỏ một đoạn ruột non vì trải nghiệm đau đẻ
Thông tin được chia sẻ trên nhiều tờ báo và mạng xã hội, trong đó trên VnExpress, một người phụ nữ ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc đã đưa bạn trai tới trung tâm mô phỏng cơn đau đẻ ở địa phương để tiến hành “bài kiểm tra tình yêu” trước khi kết hôn.
Ban đầu, người bạn trai từ chối thực hiện ý tưởng này, song cuối cùng cũng chấp nhận trước sức ép của bạn gái.
Chàng trai đã được trải nghiệm đau đẻ với thiết bị mô phỏng cơn đau do co thắt tử cung trong quá trình chuyển dạ. Mức độ đau có thể điều chỉnh bằng tay trong 90 phút đầu, sau đó duy trì cường độ tối đa suốt thời gian còn lại.
Sau buổi trải nghiệm, người bạn trai kiệt sức, đau bụng và nôn mửa. Một tuần sau, anh phải nhập viện vì cơn đau ngày càng dữ dội. Các bác sĩ phát hiện một phần ruột non đã bị tổn thương, không thể phục hồi.

Máy mô phỏng có cơ chế như thế nào?
Máy mô phỏng cơn đau đẻ hoạt động dựa trên nguyên lý kích thích điện qua da (Transcutaneous Electrical Nerve Stimulation – TENS). Cụ thể, thiết bị này sẽ sử dụng các xung điện để kích thích cơ bắp vùng bụng, tạo ra cảm giác co thắt tương tự như cơn đau chuyển dạ mà phụ nữ trải qua khi sinh con.
Đầu tiên, các miếng dán điện cực sẽ được đặt lên vùng bụng của người tham gia trải nghiệm. Vị trí đặt điện cực có thể thay đổi tùy theo thiết kế của từng loại máy, nhưng mục tiêu chung là kích thích các cơ bụng và mô phỏng cơn co tử cung.
Kế tiếp. thiết bị phát ra các xung điện với cường độ và tần số khác nhau, được truyền qua các điện cực đến cơ bụng. Các xung điện này gây ra sự co thắt cơ, tạo cảm giác tương tự như cơn đau do co thắt tử cung trong quá trình chuyển dạ.
Cường độ và tần số của xung điện có thể được điều chỉnh tăng dần, mô phỏng mức độ đau từ nhẹ đến mạnh, tương ứng với các giai đoạn khác nhau của quá trình chuyển dạ. Thời gian và mức độ kích thích thường được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người tham gia.
Thông thường, các phiên mô phỏng chỉ kéo dài từ 3-5 phút. Thời gian này ngắn hơn rất nhiều so với quá trình chuyển dạ thực tế, có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.
Bắt nguồn từ mong muốn thấu hiểu
Việc mô phỏng cơn đau đẻ không phải là một phát minh mới. Trước đây, một số thiết bị đã được phát triển để giúp nam giới trải nghiệm cảm giác này. Ví dụ, vào năm 2013, một chương trình truyền hình tại Trung Quốc đã cho phép nam giới trải nghiệm cơn đau đẻ thông qua thiết bị mô phỏng, nhằm tăng cường sự thấu hiểu và chia sẻ giữa các cặp đôi.
Các hoạt động này sẽ giúp cho nam giới hoặc những người chưa từng trải qua sinh nở hiểu rõ hơn về mức độ đau đớn và khó khăn mà phụ nữ phải chịu đựng, từ đó tăng cường sự cảm thông và hỗ trợ.
Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi sự việc không mong muốn như đối với chàng trai Trung Quốc trên xảy ra, nhiều người bày tỏ hoài nghi về mức độ an toàn của máy cũng như liệu cơ thể sinh học của nam giới có thật sự sẵn sàng với những cơn đau như vậy.
Bên cạnh đó, mặc dù các thiết bị này cố gắng mô phỏng cơn đau đẻ, nhưng cảm giác thực tế có thể khác nhau giữa các cá nhân. Hơn nữa, cơn đau đẻ thực sự không chỉ là cảm giác đau cơ học mà còn liên quan đến yếu tố tâm lý và sinh lý phức tạp, điều mà các thiết bị mô phỏng khó có thể tái hiện đầy đủ.
Đồng cảm giữa các cặp vợ chồng là một điều thật đáng tuyên dương và lan tỏa. Và việc sử dụng các thiết bị mô phỏng như trên cũng cần đòi hỏi sự giám sát của các nhân viên y tế liên tục.