Liệu A.I đã có thể thay thế bác sĩ hay chưa?
Ngày càng có nhiều người sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) tạo sinh để hỗ trợ trong công việc và cuộc sống hàng ngày, trong đó có cả các vấn đề liên quan đến y tế, sức khỏe. Vậy quan điểm của người trong nghề sẽ như thế nào?

A.I ở khắp mọi nơi
Trí tuệ nhân tạo tạo sinh có tiềm năng rất lớn trong việc giúp mọi người tìm hiểu về sức khỏe của mình. Tuy nhiên, các câu trả lời không phải lúc nào cũng chính xác. Việc hoàn toàn dựa vào các công nghệ như ChatGPT để tư vấn y tế có thể rủi ro và gây lo lắng không cần thiết.
A.I tạo sinh vẫn là một công nghệ tương đối mới và liên tục thay đổi. Một cuộc khảo sát mới đây ở Úc đã được tiến hành để xác định xem, đối tượng nào đang sử dụng A.I để tìm kiếm các thông tin y tế và những câu hỏi và họ đặt ra thường về chủ đề nào.
Với mẫu khảo sát lên đến 2.000 người, kết quả nhận được cho thấy, 9,9% người được hỏi đã từng đặt câu hỏi y tế cho ChatGPT trong nửa đầu năm 2024. Trung bình, họ cho biết "tương đối" tin tưởng ChatGPT (3,1 trên 5 điểm).
Ngoài ra, tỷ lệ người sử dụng ChatGPT cho mục đích y tế cao hơn ở nhóm người có hiểu biết y tế thấp, những người sinh ra ở quốc gia không sử dụng tiếng Anh, hoặc những người sử dụng một ngôn ngữ khác tại nhà. Điều này cho thấy ChatGPT có thể đang hỗ trợ những người gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn thông tin y tế truyền thống ở Úc.
Các câu hỏi phổ biến nhất mà mọi người hỏi ChatGPT bao gồm:
- Tìm hiểu về một tình trạng bệnh lý (48%)
- Giải nghĩa các triệu chứng (37%)
- Hỏi về các biện pháp xử lý (36%)
- Hiểu các thuật ngữ y khoa (35%)

Ứng dụng trong y tế
Tại Việt Nam, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Hùng Vương… đã bắt đầu sử dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích hình ảnh y khoa và hỗ trợ chẩn đoán. Các hệ thống này giúp bác sĩ phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư, bệnh tim mạch, và các bệnh lý thần kinh thông qua phân tích dữ liệu từ các hình ảnh X-quang, CT scan, và MRI.Ngoài ra, trong điều trị, nhiều bệnh viện như Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã triển khai sử dụng phần mềm IBM Watson for Oncology để giúp chẩn đoán, điều trị cho các bệnh nhân ung thư và đạt được những kết quả tốt.Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo cũng được áp dụng trong việc quản lý hồ sơ bệnh án điện tử và tối ưu hóa quy trình chăm sóc bệnh nhân. Các hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể giúp dự đoán nhu cầu sử dụng giường bệnh, quản lý thuốc men, và điều phối lịch khám chữa bệnh, từ đó giúp bệnh viện hoạt động hiệu quả hơn.

Ngành y không chỉ là công nghệ, máy móc hay những con số
Chưa cần nói đến A.I, hiện nay, người dân hoàn toàn có thể tìm thấy vô vàn những lời khuyên trên các công cụ tìm kiếm điển hình là Google. Nhưng liệu thông tin trên các nền tảng, công cụ này có thật sự đáng tin cậy và hiệu quả với mỗi cá nhân hay không. BS CKII. Ngô Thị Ngọc Vân, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho rằng: "Thông tin trên những nền tảng số không phải là sai hoàn toàn, nhưng đó là những lời khuyên chung chung và không thể áp dụng cho từng cá nhân được.""Ở Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, các bác sĩ thường nói là 'cá thể hóa từng trường hợp điều trị', tức là mỗi cá nhân sẽ có một liệu trình điều trị phù hợp. Không ai giống ai hết, trong da liễu, kể cả anh chị em một nhà chưa chắc có một làn da giống nhau."Không khó để hiện nay khi chúng ta có bất kỳ triệu chứng nào và hỏi 'bác sĩ Google', kết quả cho ra sẽ đủ để thân chưa bệnh nhưng tâm đã bệnh. Đó là trong đời sống, còn trong y học, A.I nói riêng có thể hỗ trợ giúp cho các bác sĩ phân tích dữ liệu một cách nhanh chóng, nhưng quyết định điều trị cuối cùng vẫn sẽ phải dựa trên kinh nghiệm và đánh giá toàn diện của các y bác sĩ.