Liên Hiệp Quốc kêu gọi chăm sóc sức khoẻ toàn dân, chú trọng sức khỏe tâm thần - Doctor247

Liên Hiệp Quốc kêu gọi chăm sóc sức khoẻ toàn dân, chú trọng sức khỏe tâm thần

Liên Hiệp Quốc kêu gọi chăm sóc sức khoẻ toàn dân, chú trọng sức khỏe tâm thần

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres vào giữa tháng 10-2023 kêu gọi cần ưu tiên vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần, đồng thời thúc giục hành động để thúc đẩy chăm sóc sức khỏe tâm thần có chất lượng trên phạm vi toàn cầu.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, hiện thế giới đang có gần 1 tỷ người sống chung với các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, sức khỏe tâm thần lại là một trong những khía cạnh “bị xao lãng” nhất của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

“Một số quốc gia chỉ có trung bình hai bác sỹ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mỗi 100.000 người. Những hậu quả về kinh tế và xã hội là rất lớn” – ông Guterres nói, đồng thời lưu ý rằng chỉ riêng chứng lo âu và trầm cảm khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Tăng cường hỗ trợ những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần

Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường năng lực của các dịch vụ y tế để cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cho những người có nhu cầu, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử, cùng với việc gỡ bỏ các rào cản đối với những người tìm kiếm sự chăm sóc và hỗ trợ.

Ông Guteress khuyến khích các dịch vụ dựa vào cộng đồng và tích hợp hỗ trợ sức khỏe tâm thần vào chăm sóc sức khỏe và xã hội rộng lớn hơn. Ông nói: “Đầu tư vào sức khỏe tinh thần có nghĩa là đầu tư vào các cộng đồng lành mạnh và thịnh vượng. Hãy đưa vấn đề này trở thành ưu tiên toàn cầu và hành động khẩn cấp để mọi người, ở mọi nơi đều được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần có chất lượng”.

Nhà lãnh đạo cũng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng sức khỏe tâm thần, bao gồm bạo lực và lạm dụng. Ông Guteress cũng khẳng định Liên hợp quốc cam kết phối hợp với các đối tác để thúc đẩy sức khỏe tâm thần.

Tác động của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần

Theo số liệu do Tổ chức Y tế thế giới công bố (WHO), ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, vào năm 2019, ước tính cứ 8 người trên toàn cầu thì có 1 người đang sống chung với chứng rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, thúc đẩy căng thẳng ngắn hạn và làm suy yếu sức khỏe tâm thần của hàng triệu người trong dài hạn.

Trong năm đầu tiên của đại dịch, WHO cho biết thế giới đã ghi nhận mức tăng hơn 25% trường hợp ở cả các rối loạn liên quan đến lo âu và trầm cảm.  Đồng thời, đại dịch đã làm gián đoạn nghiêm trọng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và mở rộng khoảng cách điều trị, với tình trạng thiếu hụt kỹ năng và kinh phí, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Qua đó, WHO khuyến khích mọi người kết nối các nỗ lực để bảo vệ và cải thiện sức khỏe tâm thần.

Để tăng cường sức khỏe tinh thần và hạnh phúc cho con người, bao gồm cả thông qua hoạt động thể chất và thể thao, cuối năm 2022 WHO và Chính phủ Qatar đã phát triển một sáng kiến mới. Theo đó,  32 “Ghế đá hữu nghị” – mỗi ghế đá tượng trưng cho một quốc gia tham gia ngày hội bóng đá thế giới – đang được xây dựng và lắp đặt xung quanh các địa điểm nổi bật ở Doha.

Những chiếc ghế dài hữu nghị là một biểu tượng mang tính đột phá, ban đầu được phát triển ở Zimbabwe và được hỗ trợ bởi WHO. Tổng Giám đốc WHO, Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết: “Băng ghế là một phương tiện đơn giản nhưng có sức mạnh thúc đẩy sức khỏe tinh thần, từ băng ghế công viên, nơi mọi người tụ tập đến sân vận động bóng đá, nơi các cầu thủ và thành viên phục vụ đội bóng xem đồng đội của họ thi đấu vì niềm vui và những lời hứa hẹn về thành công, tinh thần thể thao và thành công”.

Ông Ghebreyesus mô tả đây là một lời nhắc nhở mạnh mẽ, rằng sức khỏe thể chất là quý giá và là tài sản chung cho tất cả mọi người và mọi quốc gia. “Bằng cách nào đó, thông qua thể thao, mọi người có thể tiếp cận với những người khác trong tinh thần đoàn kết và sự hỗ trợ” – nhà lãnh đạo WHO nói.

Việt Nam trở thành Quốc gia Thành viên của WHO kể từ ngày 17 tháng 5 năm 1950. WHO là một trong những cơ quan đầu tiên của Liên Hiệp Quốc hỗ trợ trực tiếp ngành y tế Việt Nam ngay từ khi chiến tranh kết thúc và thống nhất đất nước. WHO thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội năm 1977 và chi nhánh văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2003. Hơn 50 nhân viên của WHO tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân và Chính phủ Việt Nam cải thiện sức khoẻ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong cuộc gặp gỡ tháng 9-2023

Liên Hiệp Quốc sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch

Vào năm 2020, Đại hội đồng LHQ đã đồng thuận lấy ngày 27-12 hàng năm là Ngày quốc tế về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Vào cuối tháng 9-2023 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ), Hội nghị cấp cao của LHQ về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch diễn ra trọng thể với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước khẩn trương hành động để đẩy nhanh việc bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân ở tất cả các quốc gia, giải quyết các rủi ro sức khỏe trong tương lai, bao gồm cả tình trạng kháng kháng sinh, thông qua Cách tiếp cận Một Sức khỏe, và tăng cường đầu tư xây dựng lực lượng lao động chăm sóc sức khoẻ và y tế toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hành động để thế hệ tương lai không phải chịu thảm họa đại dịch, có cách tiếp cận và các giải pháp mang tính toàn cầu và toàn dân.

Thủ tướng đề nghị ưu tiên tăng cường khả năng tiếp cận vắc-xin kịp thời và bình đẳng, năng lực điều trị, dự báo, công nghệ, an toàn, hiệu quả, ý thức người dân, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị và hỗ trợ tài chính hiệu quả cho các nước đang phát triển, kém phát triển.

Thủ tướng cho rằng cần tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, coi đây là nhiệm vụ cấp thiết của từng quốc gia và của hợp tác quốc tế, đồng thời cần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết toàn cầu, đoàn kết toàn dân và sự nỗ lực của mọi quốc gia trong phòng chống dịch bệnh.

Nêu bật nỗ lực của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm kịp thời, hiệu quả để ứng phó và phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ kêu gọi cộng đồng quốc tế đồng ý đưa an ninh y tế toàn cầu thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự để sớm ngăn ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó hiệu quả với các loại dịch bệnh; với tinh thần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết để phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hội nghị đã nhất trí thông qua bằng đồng thuận nội dung Tuyên bố chính trị về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch, trong đó quyết định sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao của LHQ về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch vào năm 2026 để đánh giá toàn diện việc triển khai Tuyên bố này.

Tổng hợp

 

 

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận