THEO DÒNG 247

Khi những viên pin được "tẩy xanh": Hết khói bụi, có hết ô nhiễm?

Anh Minh 15/07/2025 14:41

Xe điện được coi là lời giải cho ô nhiễm không khí đô thị. Nhưng khi lớp khói bụi tan đi, liệu ô nhiễm có thật sự biến mất?

Cụm từ nổi bật từ tháng 6 sang tháng 7 - "Greenwashing"

“Greenwashing” - tẩy xanh - là thuật ngữ dùng để chỉ những chiến lược quảng bá sản phẩm “xanh” cho môi trường, dù thực tế tác động của nó không thực sự tích cực như vậy.

Trong lĩnh vực xe điện, greenwashing diễn ra khá phổ biến. Hầu hết các hãng xe đều nhấn mạnh vào lợi ích không thải khói bụi khi vận hành, nhưng lại ít ai nói rõ về những tác động môi trường đến từ quá trình khai thác khoáng sản làm pin, sản xuất, vận chuyển hay xử lý sau khi hết vòng đời.

Không khí sạch hơn là thật, nhưng ô nhiễm môi trường có thực sự giảm đi? Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn sâu vào bản chất.

3 tầng ô nhiễm
Mô hình ba tầng ô nhiễm của pin điện

Ba tầng ô nhiễm: Đổi chỗ, chứ không mất đi

Theo các báo cáo đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA - Life Cycle Assessment), tác động môi trường từ xe điện có thể được chia thành 3 tầng ô nhiễm chính theo như báo cáo đươc đăng tải trên Science Direct:

1. Ô nhiễm trực tiếp khi sử dụng: Xe xăng, dầu thải ra khí CO, NOx, bụi mịn PM2.5. Xe điện hầu như không thải khí tại chỗ vận hành.

2. Ô nhiễm trong sản xuất: Quá trình khai thác lithium, cobalt, nickel cho pin tạo ra lượng khí CO2 rất lớn, hủy hoại nguồn nước, đất, hệ sinh thái ở các vùng khai khoáng.

3. Ô nhiễm khi thải bỏ: Nếu pin cũ không được xử lý đúng quy trình, kim loại nặng rò rỉ sẽ âm thầm ngấm vào đất, nước ngầm, tạo ra hệ lụy lâu dài.

Như vậy, có thể thấy rằng, trước mắt xe điện sẽ giúp loại bỏ lớp ô nhiễm dễ thấy nhất là khói bụi thành phố. Nhưng, chúng lại để lại lớp ô nhiễm vô hình, âm ỉ và khó kiểm soát hơn ở những tầng sâu khác.

trạm sạc điện

Bài học từ Bắc Kinh, Thượng Hải: Khói bụi sạch, nhưng ô nhiễm vẫn còn

Dựa vào nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature, Bắc Kinh và Thượng Hải, hai siêu đô thị của Trung Quốc, là minh chứng rõ ràng cho những nghịch lý này.

Tại Bắc Kinh, từ sau Olympic 2008, thành phố siết chặt quản lý giao thông: hạn chế xe biển số chẵn lẻ luân phiên, cấm xe tải cũ, đẩy mạnh xe điện. Kết quả, chất lượng không khí được cải thiện, nồng độ bụi mịn PM2.5 giảm hơn 35% so với thập niên trước. Nhưng cái giá phải trả lại nằm ở nơi khác: Trung Quốc vẫn dựa chủ yếu vào điện than, nên ô nhiễm không hề giảm về tổng thể.

Thượng Hải đi xa hơn khi dừng cấp biển cho xe máy xăng từ những năm 1997-2008, thúc đẩy xe điện, xe LPG và miễn phí cấp biển cho ô tô điện. Tuy nhiên, lượng CO2 từ ngành điện và khai thác nguyên liệu phục vụ sản xuất pin vẫn tăng đều. Nói cách khác, khói bụi nội đô được dọn dẹp, nhưng ô nhiễm được “chuyển vùng”, không hề biến mất.

Pin Lithium-ion
Pin Lithium-ion

Việt Nam và bài toán pin thải

Ở Việt Nam, VinFast, DatBike và hàng loạt doanh nghiệp khác đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi sang xe điện.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn pin vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc, nơi sản xuất chủ yếu sử dụng điện than. Kế hoạch tái chế pin tại Việt Nam mới dừng ở mức hợp tác ký kết (VinES – Li-Cycle), chưa có nhà máy thực tế vận hành.

Trong khi đó, hệ thống thu hồi pin cũ quy mô lớn chưa tồn tại. Nguy cơ pin hỏng thải tràn lan ra môi trường là có thật, nhất là ở khu vực nông thôn, nơi kiến thức xử lý chất thải nguy hại còn hạn chế.

Hết khói bụi chưa chắc hết ô nhiễm

Nghịch lý “khói bụi sạch hơn nhưng ô nhiễm vẫn tồn tại” xuất phát từ cách chúng ta chỉ nhìn thấy trước mắt, quên mất chuỗi tác động phía sau.

Greenwashing dễ khiến người tiêu dùng tin rằng xe điện là lựa chọn hoàn hảo, trong khi thực tế chỉ là chuyển ô nhiễm từ thành phố này sang vùng đất khác, từ thời điểm hiện tại sang tương lai âm ỉ.

Muốn thật sự hướng đến “xanh” đúng nghĩa, không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi phương tiện. Một hệ sinh thái bền vững cần đi kèm:

- Minh bạch dữ liệu vòng đời sản phẩm từ khai thác, sản xuất, sử dụng, tái chế;

-Đầu tư năng lượng sạch cho ngành sản xuất pin;

- Quy hoạch nhà máy tái chế pin hiện đại, có hệ thống thu hồi pin rõ ràng, trách nhiệm cụ thể từ nhà sản xuất, nhà bán hàng đến người tiêu dùng;

- Truy xuất nguồn gốc pin rõ ràng, bắt buộc mọi khâu phải chịu giám sát môi trường;

- Giáo dục cộng đồng về cách sử dụng, bảo quản, thay thế pin an toàn.

Xe điện giúp chúng ta dễ thở hơn trên phố, nhưng ô nhiễm không tự biến mất, nó chỉ đổi địa chỉ, đổi hình dạng. Nếu chỉ dừng lại ở việc “đổi phương tiện” mà quên xây dựng hệ thống đồng bộ xử lý, “xanh” mãi mãi cũng chỉ là màu sơn đánh bóng, không phải sự thật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khi những viên pin được "tẩy xanh": Hết khói bụi, có hết ô nhiễm?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO