Khám phá mới: RNA mới là thủ phạm gây ra cháy nắng?
Một nghiên cứu mới từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) khẳng định, chính những tổn thương RNA chứ không phải DNA, mới “kích hoạt” tình trạng cháy nắng ở giai đoạn sớm nhất.

Tác nhân sâu xa của cháy nắng không đến từ nhiệt độ mà là từ RNA
Cháy nắng từ lâu được xem như kết quả tất yếu khi làn da phải hứng chịu bức xạ cực tím (UV) quá nhiều. Những vết bỏng rát, ửng đỏ, và cảm giác khó chịu có thể khiến bạn trông giống hệt chú tôm hùm vừa bước ra khỏi lò.Từ trước đến nay, đa phần các nghiên cứu quy kết nguyên nhân là do sự đứt gãy DNA khiến tế bào chết và sinh ra phản ứng viêm. Thế nhưng, một nghiên cứu mới từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) lại khẳng định chính tổn thương RNA, chứ không phải DNA.Nghiên cứu này thực hiện trên chuột và tế bào da người chỉ ra rằng, tổn thương RNA thúc đẩy phản ứng viêm nhanh và mạnh mẽ hơn nhiều so với tổn thương DNA. Trong loạt thí nghiệm, nhóm nghiên cứu phát hiện protein ZAK-alpha, vốn nhận diện RNA bất thường, nắm vai trò “công tắc” báo động cho cơ chế viêm. Chuột thiếu ZAK-alpha gần như không hề bị bỏng đỏ sau khi chiếu tia UVB, còn tế bào da người bị tổn thương DNA nhưng không nhiều thay đổi bằng khi RNA bị hỏng.Cháy nắng không phải là vết thương do nhiệt độ cao, mà do tiếp xúc kéo dài với tia UV bước sóng ngắn (UVB). Tia này có khả năng phá vỡ cấu trúc phân tử, từ protein đến vật liệu di truyền, tức DNA và RNA.
