Hơi thở có mùi cảnh báo bệnh gì? - Doctor247

Hơi thở có mùi cảnh báo bệnh gì?

Hơi thở có mùi trái cây, mùi tanh, hôi có thể là dấu hiệu của biến chứng tiểu đường, suy thận, suy tim, ung thư dạ dày.

Hơi thở có mùi do nhiều nguyên nhân như vi khuẩn trong miệng tăng lên dẫn đến mùi hôi, hút thuốc, thói quen nha khoa kém, khô miệng, sâu răng… Trong một số trường hợp, hôi miệng là dấu hiệu nhận biết một số bệnh.

hoi-tho-co-mui
Hơi thở được xem là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về sức khỏe.

Biến chứng tiểu đường

Hơi thở có mùi trái cây hoặc mùi tương tự như axeton (thường được sử dụng trong nước tẩy sơn móng tay) là dấu hiệu biến chứng của tiểu đường.

Bệnh tiểu đường được quản lý kém làm tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng và khô miệng. Khi đường huyết không ổn định, cơ thể suy yếu không thể chống lại vi khuẩn dẫn đến nhiễm trùng nướu và gây hôi miệng.

Hơi thở có mùi ceton cũng cảnh báo biến chứng nghiêm trọng ở bệnh nhân tiểu đường là nhiễm toan ceton. Khi không đủ insulin, cơ thể sử dụng axit béo để làm năng lượng, tạo ra ceton có tính axit. Những axit này tích tụ trong máu có thể khiến người bệnh hôn mê hoặc tử vong.

Suy tim

Năm 2013, các nhà nghiên cứu tại Hệ thống Phòng khám Cleveland (Mỹ) thu thập mẫu hơi thở của 41 bệnh nhân, trong đó 25 người bệnh suy tim nặng và 16 người mắc các vấn đề về tim khác. Sau đó, sử dụng công nghệ để phân tích các mẫu hơi thở, tìm dấu hiệu các hợp chất phân tử và hóa học của bệnh suy tim.

Họ phát hiện ra hai hợp chất dễ bay hơi là axeton và pentane tăng cao ở bệnh nhân suy tim. Người bị suy tim có nồng độ axeton, pentane cao hơn có nhiều khả năng gặp rủi ro và tử vong hơn bệnh nhân có nồng độ thấp hơn. Điều này cho thấy hơi thở có mùi axeton có thể là dấu hiệu của bệnh suy tim.

Suy thận

Miệng có mùi tanh, tương tự như amoniac có thể do bệnh suy thận. Thận loại bỏ các chất độc hại ra khỏi máu bằng cách tạo ra nước tiểu. Nếu suy thận, thận bị tổn thương đến mức không còn khả năng lọc chất thải và hóa chất độc hại từ máu. Lúc này, các chất này tích tụ trong cơ thể, ảnh hưởng đến hệ hô hấp và gây ra các vấn đề về hô hấp, trong đó có hôi miệng.

Sâu răng và viêm nướu

Khi men răng bị bào mòn, các mảnh thức ăn đọng lại trong những lỗ đó, gây sâu răng. Cặn thức ăn không được lấy hết trong các lỗ sâu, kẽ răng tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, gây ra hôi miệng. Nướu bị viêm do vi khuẩn gây đau dữ dội và tiết dịch có mùi hôi.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược axit và bệnh trào ngược dạ dày thực quản là những nguyên nhân gây hôi miệng. Cả hai tình trạng tiêu hóa này đều trì hoãn hoặc ngăn cản quá trình xử lý thức ăn hiệu quả trong dạ dày. Một lượng nhỏ thức ăn chưa phân hủy có thể trào ngược và khiến miệng hôi. Ngoài ra, vi khuẩn H.pylori gây loét dạ dày cũng có thể là tác nhân.

Ung thư dạ dày

Theo nghiên cứu năm 2018 của Đại học Hoàng gia Luân Đôn (Anh), trên 335 bệnh nhân, 163 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thực quản hoặc dạ dày, qua xét nghiệm hơi thở có mùi hôi đã xác định ung thư. Tỷ lệ xét nghiệm xác định ung thư với độ chính xác 85%.

Ung thư phổi

Ung thư phổi cũng có thể gây hôi miệng. Năm 2018, các nhà nghiên cứu bệnh học của Trường Đại học Latvia sử dụng xét nghiệm hơi thở để chẩn đoán ung thư phổi thay thế cho phương pháp sinh thiết và siêu âm. Xét nghiệm phân tích cấu hình các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong mẫu hơi thở của 475 người. Nhóm gồm 252 bệnh nhân ung thư phổi, 223 không mắc ung thư này. Trong đó, 265 người hút thuốc và 210 người không hút thuốc.

Họ phát hiện ra rằng, ở người không hút thuốc, phương pháp này xác định chính xác 128 bệnh nhân ung thư phổi, chỉ chẩn đoán sai 5 người. Trong số người hút thuốc, xác định chính xác 114 người bị ung thư phổi, chẩn đoán sai 5 người. Các nhà nghiên cứu kết luận hơi thở có mùi hôi cũng cảnh báo ung thư phổi và có thể dùng chúng để chẩn đoán bệnh này.

Ngưng thở khi ngủ

Hơi thở buổi sáng có mùi sau một đêm ngủ đôi khi là dấu hiệu của ngưng thở khi ngủ. Nước bọt tiết chậm lại trong khi ngủ vì há miệng (thở bằng miệng) trong thời gian dài do chứng ngưng thở khi ngủ. Nước bọt giảm tạo cơ hội cho vi khuẩn gây mùi sinh sôi và phát triển.

Nhiễm trùng đường hô hấp

Cúm, viêm phế quản và viêm xoang là những tác nhân phổ biến làm hôi miệng. Khi nhiễm trùng phá vỡ hoặc làm viêm các mô trong hệ hô hấp, nó kích thích sản xuất tế bào và chất nhầy nuôi vi khuẩn.

Nghẹt mũi đôi khi khiến người bệnh phải thở bằng miệng, dẫn đến khô và phát triển vi khuẩn gây mùi.

Theo VNExpress

 

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận