“Tôi thấy khoảng thời gian tán tỉnh đối phương là thú vị nhất, xa hơn lại thấy không hứng thú nữa”, cô gái quê Hà Tĩnh nói.
Thanh kể mỗi khi cảm mến hoặc bị ai đó thu hút, cô thường chủ động tấn công bằng tin nhắn, những buổi cà phê hay món quà nhỏ mỗi dịp đặc biệt. Nếu đối phương đáp lại tình cảm, cô lại né tránh hoặc nói lời từ chối. “Thông thường là tôi nhận ra họ chưa bao giờ hấp dẫn như mình nghĩ trước đó”, cô nói.
Hoàng Minh, 27 tuổi, từng có nhiều năm du học nước ngoài và trải qua không ít mối tình. Dù vậy, khoảng thời gian yêu đương lâu nhất của anh chỉ kéo dài hai tháng.
Chàng trai quê Quảng Ninh nói, trong thời gian yêu đương, anh rất dễ “tụt cảm xúc”, “đột ngột mất hứng thú” với những cô bạn gái chỉ vì những điều nhỏ nhặt như khi ăn có tiếng nhai lớn, há miệng, vỗ tay mỗi khi cười hay ngủ ngáy. Minh biết cảm xúc của mình “không bình thường” nhưng cũng không thể làm khác được.
Theo các nhà tâm lý học, Hoàng Minh và Phương Thanh là những đại diện của nhóm người mắc hội chứng “ếch hóa tình yêu” – lần đầu được đề cập trong nghiên cứu của giáo sư Shinsuke Fujisawa, Đại học nữ sinh Atomi tại hội nghị thường niên Hội tâm lý học Nhật Bản năm 2004.
Hiện tượng “ếch hóa tình yêu” được hiểu là người theo đuổi bỗng trở nên nguội lạnh, thậm chí sợ hãi và muốn tránh xa khi đối phương đáp lại tình cảm. Ở một thời điểm nào đó, người đang đi chinh phục đột nhiên cảm thấy không còn bị thu hút bởi đối phương và nhận ra rằng người kia chưa bao giờ thực sự hấp dẫn đến thế. Ngày nay hiện tượng này được mở rộng ra là những người ban đầu có ấn tượng tốt đột nhiên cảm giác chán ghét đối phương bởi một số hành động hoặc việc nhỏ nhặt vô ý.
Hiện tượng này được lấy cảm hứng từ truyện cổ Grimm “Hoàng tử ếch”. Trong truyện, một con ếch với vẻ ngoài xấu xí đã hóa thành hoàng tử tuấn tú thì ngược lại người được coi là hoàng tử giờ lại “biến” thành con ếch trong mắt kẻ từng si mê mình.
Năm 2023, Zsouken, tổ chức tư vấn nghiên cứu về Thế hệ Gen Z đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến với 950 người trẻ từ học sinh trung học đến 26 tuổi tại Nhật Bản. Kết quả là hiện tượng “ếch hóa tình yêu” (Kaeru ka gensho) là hiện tượng phổ biến nhất trong giới trẻ nước này.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên tâm lý của Đại học Văn Lang, TP HCM cho rằng cụm từ “ếch hóa tình yêu” là thuật ngữ mới du nhập vào giới trẻ Việt Nam. Tuy nhiên đó là tên gọi mới, còn bản chất trong tình yêu vẫn xảy ra tình trạng “bỗng một ngày thấy chán nhau”. Hiện tượng này thường xảy ra ở người trẻ bởi dễ bị cảm xúc chi phối trong nhận định và đánh giá người khác. Thêm vào đó, người trẻ thường có cảm xúc mạnh mẽ, dễ yêu, dễ thích bởi một đặc điểm riêng lẻ, dẫn tới hành vi vội vàng.
Bà Lã Linh Nga, thạc sĩ tâm lý, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục Hà Nội, cho rằng lý do đầu tiên của hiện tượng này đến từ chính sự kỳ vọng và trí tưởng tượng đầy màu hồng của người trẻ khi yêu. Khi thích một ai đó, nhiều người thường tô vẽ những thứ đẹp đẽ, lãng mạn và tuyệt vời nhất về đối phương. Nhưng khi được đáp lại và nhận ra thực tế không giống những gì từng tưởng tượng họ thất vọng, mất đi cảm xúc hưng phấn ban đầu.
Ngoài ra với nhiều người trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z cũng có tâm thế thích chinh phục trong tình yêu. Họ coi việc chinh phục giống như một thử thách, một cuộc chơi thú vị. Một khi mục tiêu đạt được, họ lại cảm thấy không hứng thú nữa mà muốn đi tìm một đích đến mới.
Lý do cuối cùng nữ chuyên gia đưa ra là nhiều người trẻ vốn mất niềm tin vào tình yêu và hôn nhân do ảnh hưởng từ những người xung quanh như bố mẹ, người thân hoặc bạn bè. Vì từng chứng kiến những cuộc cãi vã, lừa dối, thậm chí thâm thù nhau khiến họ không muốn xây dựng một mối quan hệ vững chắc, lâu dài với ai.
“Gen Z ngày càng độc lập và quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc, trải nghiệm tâm lý của bản thân. Một khi lời nói và hành động của đối phương không vừa mắt, họ sẽ từ bỏ không nhượng bộ”, bà Nga nói.
Hệ quả của hiện tượng này theo chuyên gia sẽ khiến nhiều người trẻ theo đuổi những mối quan hệ không đi tới đâu, dần dà khiến họ chán nản, mất niềm tin vào tình yêu và hôn nhân. Lâu dần sẽ gây bất ổn về tâm lý, khó khăn khi muốn tìm ai đó để gắn kết lâu dài khi tuổi tác lớn hơn.
Phương Thanh và Hoàng Minh thừa nhận bị bạn bè đặt cho biệt danh “trap girl”, “trap boy” – chỉ những người chuyên đi lừa tình khiến người khác phải khổ đau.
Chuyên gia Nga cho rằng, khi yêu, hormone oxytocin khiến con người hưng phấn, say mê qua những cái chạm hay nụ hôn. Nhưng hormone này giảm dần theo thời gian nên đòi hỏi hai bên cùng vun đắp mới có được mối quan hệ lâu dài. Theo đó, người trẻ không nên chỉ nhìn vào tiêu chí “đối phương phù hợp với tiêu chuẩn bản thân đưa ra” hay không, mà nên chú ý tới điểm tốt, điểm mạnh của họ. Trong một mối quan hệ nếu chỉ theo đuổi “cái mình muốn” sẽ nhanh chóng gây thất vọng, dẫn tới bỏ cuộc.
Để vượt qua hội chứng này, những người trẻ nên lắng nghe ý kiến của người xung quanh để có cách nhìn khách quan hơn về đối phương, bởi tự bản thân đánh giá sẽ thiếu sự tỉnh táo.
Chuyên gia cảnh báo hiện tượng “ếch hóa” cũng có thể xảy ra trong tình yêu khi một bên cho rằng cả hai đang yêu nhau thắm thiết, “hiểu nhau cả những điều nhỏ nhất” rồi buông thả bản thân khiến sức hấp dẫn của bản thân giảm xuống dưới ngưỡng đối phương chấp nhận được. Bởi vậy, chỉ bằng cách quản lý cuộc sống của mình, thường xuyên cập nhập và thực hiện những điều mới mẻ, thú vị mới giữ được mối quan hệ bền lâu.
“Giống như một hồ bơi trong suốt thoáng nhìn đã thấy tận đáy, dù an toàn nhưng dễ gây nhàm chán. Một đại dương mênh mông với những bất ngờ liên miên lại dễ dàng khơi gợi trí tò mò và muốn tiếp tục khám phá của con người”, bà Nga nói.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Theo VNexpress