Chủ đề
Hắt hơi sổ mũi có thể là dấu hiệu của nấm ẩn trong mũi
Các triệu chứng sụt sịt mũi và khó thở thường được xem là dấu hiệu của viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn, nhưng một nghiên cứu mới cho thấy nấm sống trong khoang mũi có thể là yếu tố quan trọng làm tình trạng này tệ hơn. Công trình do nhóm chuyên gia quốc tế tiến hành, được công bố trên Frontiers in Microbiology, chỉ ra rằng người bị viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn thường có hệ vi sinh vật mũi (đặc biệt là nấm) đa dạng hơn hẳn so với những người khỏe mạnh.
Phát hiện nấm ở các bệnh nhân viêm mũi dị ứng và hen suyễn
Viêm mũi dị ứng và hen suyễn hiện là hai bệnh mạn tính về đường hô hấp phổ biến, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên thế giới. Nhóm nghiên cứu đã phân tích 339 mẫu dịch mũi ở trẻ em và thanh thiếu niên, bao gồm cả người khỏe mạnh và người mắc bệnh, để tìm hiểu vì sao có sự khác biệt về đường hô hấp.
Kết quả cho thấy những mẫu bệnh phẩm đến từ người có viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn đều chứa nhiều nấm hơn, chủ yếu là các chi Malassezia, Aspergillus, Candida và Penicillium. Điều này gợi ý rằng viêm mũi dị ứng có thể tạo điều kiện cho các loài nấm cơ hội sinh sôi mạnh hơn, hay chính chúng thúc đẩy các triệu chứng dị ứng và hen suyễn.
Trước đây, giới khoa học đã biết đến vai trò của vi khuẩn trong việc gây viêm đường hô hấp. Các chủng vi khuẩn cơ hội có xu hướng phát triển mạnh ở người có hệ hô hấp suy yếu. Tuy nhiên, nghiên cứu mới này mở rộng góc nhìn sang thế giới nấm trong khoang mũi, vốn ít được chú ý hơn.
Tác giả chính, nhà sinh học tính toán Marcos Pérez-Losada (Đại học George Washington), cho biết họ đặc biệt quan tâm đến mối liên kết giữa hệ vi sinh vật mũi và phản ứng miễn dịch của cơ thể. Theo ông, sự phong phú và tương tác phức tạp của nấm trong mũi có khả năng thay đổi “cách mũi phản ứng” với các tác nhân dị ứng.
Bên cạnh đó, nhóm còn phân tích các chất chuyển hóa để xác định liệu có cơ chế nào đang hoạt động. Họ phát hiện những con đường chuyển hóa liên quan đến việc tạo ra phân tử 5-aminoimidazole ribonucleotide có mức độ hoạt động cao hơn ở người bệnh. Trước đây, giới khoa học ghi nhận phân tử này liên quan đến bệnh viêm ruột và ung thư đại trực tràng khi tích tụ trong đường ruột. Vì thế, nếu chất này cũng tăng cao ở niêm mạc mũi, có thể đây là manh mối chỉ ra sự hình thành hoặc tiến triển của các bệnh mạn tính về hô hấp.
Hướng nghiên cứu và điều trị trong tương lai
Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng kết quả hiện tại không đủ để kết luận nấm là “thủ phạm chính” gây viêm mũi dị ứng và hen suyễn. Việc thu thập mẫu chỉ thực hiện ở một thời điểm duy nhất, trong khi nhiều yếu tố cá nhân như mức độ nghiêm trọng của bệnh và loại thuốc điều trị vẫn chưa được kiểm soát hết. Tuy vậy, nghiên cứu đã mở ra hướng mới về vai trò của nấm – một “người chơi” tiềm ẩn – trong việc định hình phản ứng viêm và dị ứng ở đường hô hấp trên.
Phát hiện về các chi nấm phổ biến như Malassezia, Aspergillus, Candida và Penicillium cũng củng cố giả thuyết rằng môi trường mũi, vốn là nơi cư trú quan trọng cho vi sinh vật, có thể trở thành “bệ phóng” cho nhiều vấn đề hô hấp. Việc hiểu rõ cách các loài nấm này tương tác với hệ miễn dịch mũi và ảnh hưởng thế nào đến bệnh lý có thể giúp các nhà khoa học nghĩ ra phương pháp điều trị mới, chẳng hạn như can thiệp trực tiếp vào hệ vi sinh vật thông qua thuốc kháng nấm hay probiotic đường mũi.
Như vậy, dù vẫn cần thêm thời gian và dữ liệu để xác định rõ ràng mối quan hệ nhân quả giữa nấm và các bệnh viêm mũi dị ứng, hen suyễn, nghiên cứu vừa công bố đã gióng lên hồi chuông về một yếu tố gây bệnh tiềm ẩn. Từ gàu da đầu đến mụn trứng cá, nấm Malassezia xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể; giờ đây, thêm bằng chứng cho thấy “cư dân” này có thể đóng vai trò trong những bất ổn hô hấp.
Phát hiện mới không chỉ giúp chúng ta hiểu hơn về cơ chế bệnh mà còn mở ra lối đi hứa hẹn trong việc tìm phương án điều trị tối ưu cho hàng trăm triệu bệnh nhân trên toàn cầu.
Theo Science Alert