THEO DÒNG 247

Hạ thân nhiệt dưới nước: Khi áo phao chỉ giúp nổi, không phải giữ ấm

Habi 21/07/2025 11:00

Thực tế cho thấy, có một mối đe dọa còn lớn hơn cả việc chìm khi bạn rơi xuống nước: đó chính là hạ thân nhiệt.

hạ thân nhiệt

Hạ thân nhiệt có thể xảy ra nhanh đến mức nào?

Theo các chuyên gia, tốc độ xuất hiện hạ thân nhiệt sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhiệt độ nước, thể trạng, tuổi tác, quần áo và cả thể lực của người gặp nạn.

  • Trong nước ấm (21 - 27°C), có thể mất đến 1 - 2 giờ mới xuất hiện triệu chứng nhẹ của hạ thân nhiệt, nhưng vẫn đủ nguy hiểm nếu người đó vốn mệt mỏi hoặc yếu sức.
  • Trong nước mát (15 - 21°C), chỉ sau 1- 2 giờ, các triệu chứng như run rẩy, lơ mơ, mất phối hợp đã có thể bắt đầu xuất hiện.
  • Nước lạnh (10- 15°C) có thể khiến người rơi xuống bắt đầu bị hạ thân nhiệt chỉ sau 30- 60 phút.
  • Còn trong nước rất lạnh (dưới 10°C), hạ thân nhiệt có thể diễn ra chỉ trong 10 - 15 phút, dẫn đến mất ý thức và nguy cơ tử vong trong vòng nửa giờ nếu không được cứu giúp kịp thời.

Đáng chú ý, dù mặc áo phao giúp nổi, nhưng không ngăn được nhiệt độ cơ thể giảm dần nếu phần lớn cơ thể vẫn tiếp xúc với nước lạnh.

hạ thân nhiệt

Phản ứng sốc lạnh: kẻ thù thầm lặng

Tiến sĩ Heather Massey - nhà sinh lý học và chuyên gia về môi trường cực đoan tại Đại học Portsmouth (Anh) cho biết, ngay khi cơ thể tiếp xúc với nước lạnh, phản ứng sốc lạnh (cold shock) sẽ xảy ra.

Cảm giác sốc do nhiệt độ khiến người ta "há hốc miệng" hít sâu không kiểm soát. Trong tường hợp nếu không may đầu chìm dưới mặt nước vào thời điểm đó, nguy cơ ngạt nước là rất cao.

Cảm giác "khó thở", tim đập nhanh, huyết áp tăng vọt cũng có thể gây nguy cơ đột tử ở người có bệnh lý tim mạch. Với những người không quen với nước lạnh, phản ứng này còn dữ dội hơn.

Quy tắc 1-10-1: Thời gian sống còn

Theo các chuyên gia an toàn hàng hải, nếu rơi xuống nước lạnh, bạn cần phải nhớ lấy quy tắc 1-10-1:

  • 1 phút đầu tiên để kiểm soát nhịp thở: đừng hoảng loạn, hãy cố gắng giữ đầu nổi và bình tĩnh.
  • 10 phút tiếp theo là khoảng thời gian có thể vận động hiệu quả trước khi cơ bắp dần mất kiểm soát do lạnh.
  • 1 giờ sau, hạ thân nhiệt sẽ dần khiến bạn bất tỉnh, dẫn đến tử vong nếu không được cứu.

Điều quan trọng là tận dụng tối đa 10 phút đầu tiên để gọi cứu trợ, tiếp cận vật nổi, hoặc tìm cách rời khỏi mặt nước càng sớm càng tốt.

Khi cơ thể dần buông xuôi

Sau cú sốc ban đầu, các cơ bắt đầu nguội dần...

Cứ mỗi độ giảm trong nhiệt độ cơ, sức mạnh sẽ giảm 3%. Khi cơ giảm xuống khoảng 27°C, bạn sẽ bắt đầu rơi vào trạng thái mệt mỏi, mất phối hợp tay chân, khó bơi, và cuối cùng là "swim failure", tức không còn khả năng tự nổi, dẫn đến chết đuối dù vẫn tỉnh táo.

Một dấu hiệu dễ nhận thấy là claw hand”: các ngón tay co cứng, không thể duỗi ra hoặc khép lại như một mái chèo nữa.

Về lâu dài, nếu không được làm ấm đúng cách, hạ thân nhiệt có thể dẫn đến hôn mê, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp và tử vong.

Sau khi được cứu lên bờ: Nguy hiểm vẫn chưa hết

Nhiều người lầm tưởng rằng khi đã thoát khỏi mặt nước thì nguy hiểm đã qua. Nhưng thực tế, cơ thể vẫn tiếp tục mất nhiệt sau khi lên bờ, đặc biệt nếu đứng ngoài trời khi cơ thể ướt, nước bốc hơi sẽ hút nhiệt rất nhanh.

Cảm giác phấn khích sau khi bơi trong nước lạnh khiến nhiều người quên mất việc phải lau khô và thay đồ ngay. Đây là sai lầm chết người.

Việc làm khô và giữ ấm ngay sau khi lên bờ là điều tối quan trọng để ngăn cơ thể tiếp tục hạ nhiệt cho đến khi nhiệt độ trung tâm được phục hồi.

=

Cách phòng ngừa và ứng phó

  • Luôn mặc áo phao khi đi tàu, thuyền hoặc tham gia các hoạt động trên mặt nước.
  • Nếu có thể, mặc đồ chống lạnh như wetsuit hoặc drysuit.
  • Nếu rơi xuống nước, cố gắng giữ đầu trên mặt nước và hạn chế chuyển động quá mức để tiết kiệm năng lượng và tránh mất nhiệt nhanh hơn.
  • Tránh dầm nước quá lâu và tìm cách giữ một phần cơ thể khỏi tiếp xúc trực tiếp với nước - như leo lên vật nổi, giữ mình co gọn để giảm mất nhiệt.
  • Sau khi lên bờ, lập tức thay đồ khô, ủ ấm vùng ngực, cổ và bẹn - nơi tập trung nhiều mạch máu quan trọng. Tuyệt đối không làm nóng đột ngột bằng nước nóng vì có thể gây sốc nhiệt.

Hạ thân nhiệt không phải là điều chỉ xảy ra giữa băng giá phương Bắc. Nó có thể ập đến bất kỳ lúc nào, đặc biệt khi hoạt động ở sông hồ, vịnh biển với nhiệt độ nước dưới 20°C - một ngưỡng không hiếm gặp tại Việt Nam vào mùa đông hoặc sáng sớm.

Chúng ta thường chỉ nhìn thấy chiếc áo phao như một "bùa hộ mệnh", nhưng để an toàn thực sự, kiến thức và chuẩn bị là những áo giáp không thể thiếu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hạ thân nhiệt dưới nước: Khi áo phao chỉ giúp nổi, không phải giữ ấm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO