Chủ đề
Hà Nội: Sốt xuất huyết có thể tăng nhanh thời gian tới
Tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới. Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cần rà soát, thông báo nguy cơ cao về sốt xuất huyết đối với từng quận, huyện, thị xã, khu vực… để có cảnh báo cho người dân.
Rà soát nơi có nguy cơ cao, cảnh báo người dân
Theo CDC Hà Nội, trong năm 2023, tính đến ngày 15/5, toàn TP Hà Nội ghi nhận 250 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Số ca mắc ghi nhận tại 27/30 quận, huyện, thị xã và tại 143/579 xã, phường, thị trấn. Ghi nhận 14 ổ dịch tại 9 quận, huyện gồm: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Oai, Hoài Đức, Tây Hồ.
Thời gian qua, CDC Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch các cấp; triển khai kế hoạch vệ sinh môi trường – diệt bọ gậy, diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết.
Đồng thời xây dựng kế hoạch phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15/6/2023); tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát dịch tễ, véc tơ truyền bệnh, phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý ổ dịch, ca bệnh tại cộng đồng.
Thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại cơ sở.
Các đơn vị cũng đã chủ động, kịp thời tổng hợp, báo cáo tình hình dịch sốt xuất huyết trên phần mềm theo Thông tư 54 theo quy định.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho loăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển.
Hiện nay, số ca mắc đang tăng theo tuần, có thể ghi nhận bệnh nhân nặng và tử vong so với năm 2022. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và ngành Y tế thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch.
Theo Giám đốc CDC Hà Nội Bùi Văn Hào, các đơn vị cần tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh là hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, cần chủ động tham mưu, đề xuất với chính quyền các cấp tiếp tục triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi tại hộ gia đình, khu dân cư, khu vực công cộng để phòng, chống sốt xuất huyết.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu, thời gian tới, các đơn vị tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương về triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.
Đồng thời, thực hiện rà soát, đề xuất tháo gỡ khó khăn về định mức chi cho hệ y tế dự phòng làm sao cho phù hợp; đảm bảo đầy đủ vật tư hoá chất, máy phun sử dụng trong phòng, chống dịch. CDC Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế cũng lưu ý, bắt đầu từ tuần tới CDC Hà Nội có thông báo chỉ số nguy cơ đối với từng quận, huyện, thị xã, khu vực nguy cơ cao về sốt xuất huyết để có những cảnh báo cho người dân.
CDC Hà Nội cũng cần rà soát lại công tác xét nghiệm mẫu, thống nhất với các đơn vị về việc gửi mẫu xét nghiệm làm sao hiệu quả, đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch.
Các đơn vị tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết để người dân tự giác thực hiện biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Nguy cơ bệnh dễ trở nặng, nhiều biến chứng
Theo các chuyên gia y tế, những triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết Dengue khá tương đồng với với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm. Đặc biệt, khởi phát của sốt xuất huyết Dengue có khi giống với triệu chứng của bệnh Covid-19 nên dễ bỏ sót.
Trong bối cảnh hiện nay, tâm lý lo ngại đưa trẻ đi bệnh viện của nhiều phụ huynh dẫn đến trẻ nhập viện muộn, nguy cơ bệnh sốt xuất huyết Dengue dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết.
Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá thì mới đến viện. Lúc đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận.
Theo các bác sĩ, để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu thì thì cần làm xét nghiệm máu.
Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 đến 450 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10-20 G/L.
Qua đó, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh-rong huyết (nữ giới), cũng như có hiện tượng cô đặc máu như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao,… bệnh nhân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5 G/L hoặc có biểu hiện chảy máu. Sau khi hết sốt vài ngày, tiểu cầu sẽ tăng trở lại bình thường.
Chuyên gia y tế cũng lưu ý, sốt xuất huyết trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà, người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác.
Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như: Aspirin, ibuprofen vì nó có thể gây chảy máu, không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt.
Nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết. Đó là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện.
Theo TS Phạm Thị Khoa – nguyên cán bộ Viện Sốt rét, ký sinh trùng Trung ương, để phòng ngừa sốt xuất huyết, nguyên tắc đầu tiên là phải diệt hết loăng quăng, không để các chum, vại chứa nước hoặc các chậu cây cảnh có nước.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, với trẻ em có thể sử dụng các loại chế phẩm xịt chống muỗi thảo dược an toàn cho sức khỏe. Việc phun hóa chất phải được thực hiện bởi các cơ quan y tế, nguyên tắc chỉ phun ở các khu đã phát sinh ổ dịch chứ không phun hóa chất để phòng ngừa vì nó ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, để phòng ngừa sốt xuất huyết, người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn như dùng kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.
Người bệnh khi mắc sốt xuất huyết cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.
My Châu
Theo kinhtedothi