Giữ lại đôi mắt cho bé gái bị khối u chèn ép
Huyền Nhi, 3 tuổi, bị khối u sợi thần kinh chèn ép mắt, nguy cơ mù, vừa được giáo sư người Mỹ McKay McKinnon phẫu thuật bóc u.
Có lần, mắt cô bé quê Quảng Nam chảy máu bất thường, bố mẹ đưa đi chữa một số nơi nhưng chưa không tìm được cách trị dứt điểm. Bác sĩ Bệnh viện FV xác định khối u xơ thần kinh to bất thường, liên hệ giáo sư McKay McKinnon – chuyên gia phẫu thuật u bướu, tái tạo, chỉnh hình, chuyên xử lý các ca bệnh khó hiếm gặp.
Giáo sư thường đi đến nhiều nơi trên thế giới cứu chữa trẻ bị dị tật kém may mắn, nhiều lần sang Việt Nam, được ví như “tiên ông” giúp hồi sinh nhiều cuộc đời. Huyền Nhi được đưa vào danh sách chờ mổ, năm 2020.
“Chỉ cần có nơi đồng ý điều trị cho con là tôi đã quá mừng, không ngờ lại được bác sĩ tầm cỡ thế giới điều trị”, mẹ bé nói, hôm 11/12.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid, kế hoạch sang Việt Nam của ông bị gián đoạn, ca mổ của cô bé bị dời đến đầu tháng 12 năm nay. Giáo sư McKinnon thăm khám, xác định khối u sợi thần kinh ở hốc mắt bên trái của bé làm mí mắt trên sụp xuống và một phần khối u lan sang hốc mắt, gây biến dạng hốc mắt. “Nếu không được phẫu thuật, mắt trái sẽ bị khối u phá hỏng”, ông nói.
Giáo sư McKinnon đã cắt bỏ một phần khối u, sau đó tái tạo lại trần, sàn hốc mắt và chỉnh lại khóe mắt bên ngoài để nhìn thẩm mỹ hơn, đồng thời lấy lại chức năng mi mắt. Sau phẫu thuật, khuôn mặt cô bé nhẹ nhõm hơn, đặc biệt là bảo tồn được thị lực.
Đến Việt Nam lần này, giáo sư McKinnon thực hiện 11 ca mổ cho các bệnh nhân bị u sợi thần kinh. Các em đã chờ đợi thời gian dài để có cơ hội được ông điều trị, chỉnh sửa những khiếm khuyết hình thể, giúp có cuộc sống mới. Ngoài ra, ông còn khám cho hàng chục bệnh nhân khác – những người đang hy vọng có thể thay đổi cuộc đời nhờ bàn tay vàng của bác sĩ.
Giáo sư cho rằng điều trị u sợi thần kinh là hành trình gian nan, bệnh nhân có thể phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật. Nhiều bệnh nhi nhập viện với tình trạng rất nặng, biến chứng từ các cuộc phẫu thuật trước hoặc để quá trễ nên khối u gây hỏng mắt. Khi ấy, phẫu thuật chỉ giúp cải thiện về thẩm mỹ trên gương mặt và một phần chức năng của mắt. Với các bệnh nhân khám sớm như bé Nhi, kết quả điều trị sẽ cao hơn.
“Khi thực hiện phẫu thuật cho trẻ em, áp lực với tôi càng lớn hơn, phải thực hiện phẫu thuật đúng và tốt nhất có thể, giúp trẻ có được cuộc sống bình thường”, ông McKinnon nói.
U sợi thần kinh là bệnh thuộc dạng di truyền, biểu hiện với những u dạng sợi mềm mọc ra từ dây thần kinh, cùng nhiều đốm màu nâu nhạt xuất hiện trên da thân người… U phát triển theo thời gian, tổn thương thần kinh và có nguy cơ hóa ung thư. 50% bệnh nhân u sợi thần kinh có tiền sử gia đình từ bố hoặc mẹ, số còn lại do đột biến các nhiễm sắc thể, có thể di truyền tiếp cho thế hệ sau.
Bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, hiện chỉ giới hạn ở việc theo dõi mức độ phát triển của các khối bướu và can thiệp khi có triệu chứng. Bệnh nhân được phẫu thuật khi khối u lớn nhanh và gây triệu chứng, ung thư hóa, ù tai chóng mặt, ảnh hưởng thị lực, động kinh, biến dạng xương… Khi phát hiện có khối u, người bệnh nên đi khám và điều trị sớm, tránh để u phát triển quá lớn, dẫn tới việc có thể phải cắt bỏ toàn bộ phần bị bệnh.
Theo VNExpress