Giám sát chặt chẽ và điều trị các ca mắc sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, với 774 ca mắc từ đầu năm đến trung tuần tháng 4/2023.
Trong đó, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue nhẹ và có dấu hiệu cảnh báo (trên 740 ca), trên 30 ca nặng, không có ca tử vong. Các địa phương có số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhiều là Phú Quốc 189 ca, Kiên Lương 123 ca, Giồng Riềng 104 ca, Rạch Giá 89 ca, Hà Tiên 67 ca…
Bác sĩ chuyên khoa II Danh Tý, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Kiên Giang cho biết: Trong hơn 4 tháng đầu năm nay, Bệnh viện tiếp nhận, điều trị 230 ca sốt xuất huyết, trong đó có 55 ca phải điều trị chống sốc. Đặc biệt, một số bệnh nhân nhập viện điều trị trễ, tỷ lệ sốc cao, một số ca men gan tăng rất cao.
Bệnh nhân nhập viện điều trị trễ là do các bậc phụ huynh chủ quan hoặc thiếu hiểu biết về bệnh sốt xuất huyết. Khi con, em nóng sốt không đưa đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị mà tự mua thuốc uống tại nhà, đến khi chuyển biến nặng mới đưa đến bệnh viện, nhập viện điều trị.
Bệnh viện Sản – Nhi đã được Bộ Y tế và hai bệnh viện tuyến trên là Nhi đồng I, Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh tập huấn phác đồ điều trị sốt xuất huyết, nhờ đó nâng khả năng điều trị cho bệnh nhân. UBND tỉnh và Sở Y tế cũng đầu tư cho bệnh viện phương tiện, trang thiết bị y cụ, chuẩn bị dịch truyền… phục vụ tốt công tác điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Hiện nay, thời tiết khí hậu đang giai đoạn chuyển mùa và bước vào mùa mưa. Dự báo trong thời gian tới, bệnh sốt xuất huyết có khả năng bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh do điều kiện tự nhiên, mưa nhiều tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản gây bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa II Danh Tý, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh khuyến cáo các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm, chăm sóc con em mình, hạn chế thấp nhất để trẻ bị muỗi đốt. Gia đình nào có con, em sốt từ ngày thứ hai trở đi thì đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại nhà như: Phát dọn cỏ rác quanh nhà, thu gom xử lý những vật dụng chứa nước mưa, vệ sinh môi trường thông thoáng, sạch sẽ để loại trừ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trong lu chứa nước mưa…
Ngành Y tế tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, tập trung giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, thực hiện các biện pháp dự phòng, điều trị bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.
Cùng với đó, ngành chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương, nhất là hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động người dân diệt muỗi, lăng quăng, không chủ quan, lơ là với bệnh sốt xuất huyết và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Hệ thống y tế cơ sở tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng, chống cho người dân; tổ chức các đợt ra quân diệt muỗi, diệt lăng quăng trong cộng đồng, vệ sinh sạch sẽ khu vực công cộng, khu dân cư để loại trừ nơi sinh sản của muỗi.
My Châu
Theo Báo Tin tức