Chủ đề
Giấc ngủ giúp chúng ta đốt calo nên đừng than phiền rằng ngủ thôi cũng mập nữa
Ngủ là thời gian để cơ thể nghỉ ngơi và hồi phục, và ai cũng biết rằng giấc ngủ đủ giúp cơ thể tràn đầy năng lượng. Tuy nhiên, ít ai nghĩ rằng khi ngủ, cơ thể vẫn đốt cháy một lượng calo nhất định.
Alex Dimitriu, M.D., chuyên gia tâm lý và y học giấc ngủ, chia sẻ: “Cơ thể luôn đốt cháy calo, ngay cả khi chúng ta không hoạt động gì, bao gồm cả khi ngủ.” Ngay cả lúc ngủ, cơ thể vẫn cần năng lượng để thực hiện các chức năng cơ bản như hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa và sửa chữa tế bào. Đây chính là tỷ lệ trao đổi chất cơ bản (BMR), hay năng lượng tối thiểu cần thiết để duy trì sự sống.
Đốt cháy bao nhiêu calo khi ngủ?
Theo Trường Y Harvard, chúng ta đốt cháy khoảng 40 đến 55 calo mỗi giờ khi ngủ. Điều này có nghĩa là nếu ngủ đủ 7 giờ, bạn có thể đốt cháy từ 280 đến 385 calo mỗi đêm. Tuy nhiên, con số này thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố như cân nặng, mức độ hoạt động thể chất, và chất lượng giấc ngủ.
Có cách nào tăng lượng calo đốt cháy khi ngủ không?
Alex Rothstein, điều phối viên chương trình khoa học thể thao tại New York Institute of Technology, cho biết bất cứ điều gì làm tăng BMR cũng sẽ giúp đốt cháy nhiều calo hơn khi ngủ. Việc tăng khối lượng cơ là một cách tốt để đốt calo “cả ngày”, ngay cả trong lúc ngủ. Ngoài ra, hoạt động thể chất thường xuyên và chế độ ăn uống hợp lý cũng ảnh hưởng tích cực đến BMR (Tỷ lệ trao đổi chất cơ bản).
Ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm và duy trì chất lượng giấc ngủ tốt sẽ giúp cải thiện lượng calo đốt cháy. Dưới đây là một số mẹo để có giấc ngủ tốt hơn từ National Sleep Foundation:
- Đặt lịch ngủ cố định: Cố gắng đi ngủ và thức dậy cùng giờ mỗi ngày.
- Thiết lập thói quen trước khi đi ngủ: Đọc sách, thiền hoặc nghe nhạc thư giãn.
- Tránh sử dụng thiết bị điện tử: Tắt TV và tránh dùng điện thoại trước khi đi ngủ.
- Tạo không gian yên tĩnh và mát mẻ: Phòng ngủ yên tĩnh, thoải mái và nhiệt độ lý tưởng khoảng 19°C.
- Hạn chế đồ uống có cồn và caffeine: Những chất này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
- Tránh ăn trước khi đi ngủ: Nên hoàn thành bữa ăn khoảng 3 giờ trước khi lên giường để giấc ngủ không bị gián đoạn.
Ảnh hưởng của giấc ngủ đến cân nặng
Giấc ngủ không chỉ giúp đốt cháy calo mà còn có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cân nặng. Khi thiếu ngủ, cơ thể tăng lượng ghrelin (hormone kích thích thèm ăn) và giảm leptin (hormone ức chế thèm ăn), làm bạn có cảm giác đói nhiều hơn trong ngày.
Dr. Kuljeet Gill, chuyên gia giấc ngủ tại Northwestern Medicine, cho biết thiếu ngủ cũng có thể gây mất cân bằng insulin và glucose. Ngủ đủ không chỉ giúp kiểm soát sự thèm ăn, mà còn giúp cải thiện sức khỏe nói chung và nâng cao hiệu quả tập luyện.