Chủ đề
Bệnh đường hô hấp gia tăng khi thời tiết thay đổi thất thường sau Tết
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người bị mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân điều trị ngoại trú, chỉ những người bị bệnh nặng mới nhập viện điều trị nội trú.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh đường hô hấp rất dễ xảy ra khi thời tiết thay đổi đột ngột. Do vậy, người dân cần lưu ý những biện pháp phòng bệnh và đến cơ sở y tế để được chỉ định thuốc phù hợp khi cần thiết.
ThS-BS Phí Thị Lệ Tân lý giải, nguyên nhân dẫn đến số lượng bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp gia tăng những ngày gần đây là do thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, người dân đi lại nhiều, từ tỉnh này sang tỉnh khác, vùng này đến vùng khác. Sự thay đổi về thời tiết cũng như vấn đề môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, là cơ hội để bệnh đường hô hấp và một số bệnh khác bùng phát.
Ngoài ra, có những người trong Tết đã mắc bệnh nhưng tâm lý ngại nhập viện ngày Tết, đến khi nhập viện thì bệnh đã nặng hơn, khó điều trị hơn. Uống bia lạnh nhiều cũng ảnh hưởng đến các bệnh đường hô hấp trên.
BS CKI Nguyễn Phan Thu Lệ, Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark nhấn mạnh, thời tiết thay đổi thất thường ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, nhất là ở trẻ em và người già, đặc biệt là những người đang mắc các bệnh mạn tính, sức đề kháng yếu.
Bệnh viêm đường hô hấp được chia làm 2 loại: viêm đường hô hấp trên (gây ra các triệu chứng: nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, ho, đau rát họng, đau đầu, đau cơ hoặc khó thở, đau nhức vùng xoang, nôn, buồn nôn, khàn giọng…); viêm đường hô hấp dưới (gây ra các triệu chứng nặng hơn như: ho dữ dội, ho có đờm, sốt cao, nhịp tim nhanh, thở khò khè, khó thở, cảm thấy nặng hoặc đau ở ngực).
Để phòng ngừa bệnh đường hô hấp, đối với trẻ nhỏ cần được tiêm vaccine ngừa cúm và phế cầu đầy đủ. Người lớn nên tiêm vaccine phòng bệnh cúm mỗi năm một lần. Khi đang ở trong phòng máy lạnh không nên đột ngột ra ngoài nắng ngay hoặc ngược lại để tránh bị sốc nhiệt.
Người dân cũng cần hạn chế đến những nơi đông người, đặc biệt khi cơ thể không khỏe nhằm tránh lây nhiễm chéo. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để loại bỏ virus và vi khuẩn, đặc biệt là sau khi đi chơi, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
Thực hiện giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ và ngực khi đi ngủ và khi di chuyển đến khu vực có thời tiết lạnh. Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, thường xuyên lau dọn đồ chơi và các vật dụng thường tiếp xúc. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, giàu vitamin C và D để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Theo Đồng Nai