Gen Z yêu nước trong kỷ nguyên vươn mình: IELTS 8.5, đại biểu SSEAYP, theo đuổi ngành Quản lý nhà nước
Ở tuổi 20, khi nhiều người trẻ vẫn còn đang loay hoay với câu hỏi “Mình là ai giữa thế giới rộng lớn này?”, Gen Z Thái Nguyễn Đăng Khoa đã sở hữu một hành trình phát triển hiếm có, khi giao thoa cả năng lực học thuật, bản lĩnh cá nhân và khát khao cống hiến cho đất nước.
Thái Nguyễn Đăng Khoa (sinh năm 2004) hiện là sinh viên năm ba ngành Quản lý nhà nước, Học viện Cán bộ TP.HCM. Khoa chạm mốc IELTS 8.0 từ năm lớp 8, đến nay là cột mốc 8.5, có thể sử dụng thành thạo Tiếng Anh và trung cấp Tiếng Pháp.
Khoa còn là cựu học sinh chuyên Toán trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, sở hữu hàng loạt giải thưởng học thuật từ cấp thành phố đến cấp quốc gia, là MC song ngữ và phiên dịch viên cho nhiều sự kiện cấp thành phố.

Không chỉ là một bạn trẻ Gen Z nổi bật về thành tích, Khoa còn ghi dấu với khát vọng cống hiến được thể hiện rõ nét qua vai trò đại biểu SSEAYP 2024 - trở thành 1 trong 15 đại diện cho thanh niên Việt Nam trên tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản danh giá.
Một người trẻ gần như hội tụ đầy đủ những tố chất “Gen Z kiểu mẫu” ấy, liệu Khoa có từng cảm thấy áp lực trước kỳ vọng từ chính bản thân và những người xung quanh? Điều gì giúp Khoa giữ được lý tưởng, sự kiên định và cảm hứng học hỏi giữa guồng quay không ngừng nghỉ của thế hệ mới?
Có nhiều bạn trẻ chọn phát triển bản thân ở lĩnh vực kinh tế, nghệ thuật, công nghệ… Riêng Khoa lại chọn học ngành Quản lý nhà nước và tham gia rất sớm vào công tác Đoàn - Hội. Điều gì đã giúp Khoa giữ được động lực học hỏi, rèn luyện và nỗ lực không ngừng trong suốt nhiều năm qua?
Ngay từ những năm Tiểu học, em đã có cơ hội trưởng thành trong môi trường hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong, và sau đó tiếp tục gắn bó với các phong trào của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên. Những trải nghiệm ấy không chỉ là những kỷ niệm đáng quý, mà còn là nơi nuôi dưỡng kỹ năng, tinh thần dấn thân và khát vọng đóng góp cho cộng đồng. Chính vì vậy, em luôn xem công tác Đoàn - Hội là một cơ hội, không phải trách nhiệm hay gánh nặng.
Điều giúp em giữ vững động lực trong hành trình này là khoảnh khắc em được tin tưởng giao nhiệm vụ lớn khi vừa tròn 18 tuổi. Từ đó, em tự nhắc mình phải sống xứng đáng với sự tin tưởng ấy, không ngừng rèn luyện và cống hiến, dù ở bất kỳ vị trí nào.
Việc lựa chọn ngành Quản lý nhà nước cũng xuất phát từ mong muốn được đóng góp một cách bài bản, bền vững hơn cho sự phát triển của quê hương.
Khi ngồi đối diện với các đại biểu quốc tế, Khoa có từng cảm thấy mình “nhỏ bé” hay không? Khoa thường giới thiệu điều gì về Việt Nam và con người Việt Nam?
Mỗi hành trình giao lưu quốc tế em từng tham gia đều là cơ hội quý báu để gặp gỡ những bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới. Các bạn không chỉ tài năng mà còn tự tin, bản lĩnh và đầy cảm hứng. Em không thấy mình “nhỏ bé” nhưng luôn có cảm giác ngưỡng mộ và mong muốn được học hỏi nhiều hơn từ họ.

Điều em rút ra là giá trị của một con người không nằm ở thành tích hay xuất thân, mà ở thái độ sẵn sàng chia sẻ và khát vọng tạo nên điều tích cực, dù bắt đầu từ những điều rất nhỏ.
Em học được cách trân trọng sự khác biệt, và vì vậy lại càng thêm tự hào về những giá trị bản sắc của Việt Nam và bản thân mình. Trong các chuyến giao lưu, em thường là người chia sẻ về tiếng Việt đến bạn bè quốc tế; vì em tin tưởng rằng ngôn ngữ của chúng ta rất đặc sắc, rất khác biệt và giàu giá trị.
Sâu hơn sẽ là chia sẻ về văn học, thơ ca Việt Nam - những điều mà em thật sự yêu thích và theo đuổi. Em tin rằng, mỗi người trẻ sẽ dành tình cảm cho một khía cạnh nào đó của văn hóa Việt Nam và bất kể bạn yêu nhất điều gì, chỉ cần bạn chia sẻ về nó bằng tình cảm thì sẽ được đón nhận bằng thật nhiều tình cảm từ bạn bè các nước.
Ở độ tuổi rất trẻ, Khoa đã đạt được nhiều thành tích mà nhiều người ao ước. Nhưng đi kèm với đó, chắc hẳn cũng có những kỳ vọng và áp lực. Khoa đã đối diện với điều đó như thế nào?
Với em, áp lực không phải là điều tiêu cực mà chính là chất xúc tác để mình trưởng thành hơn. Điều quan trọng là cách mình nhìn nhận và quản lý cảm xúc trước những áp lực, những kỳ vọng đó. Tất nhiên, cũng có lúc em cảm thấy mệt mỏi, cũng từng có những khoảnh khắc cảm thấy bản thân “đuối sức”.
Nhưng em may mắn vì luôn có gia đình và những người bạn bên cạnh, luôn được lắng nghe và nhắc nhở rằng chỉ cần khi vượt qua khó khăn, mình sẽ mạnh mẽ và hoàn thiện hơn.
Ngoài ra, với niềm đam mê văn học, viết lách cũng là một cách để em đối thoại với chính mình. Việc biến cảm xúc thành câu chữ không chỉ giúp em giải tỏa, mà còn giúp em nhìn lại hành trình của bản thân một cách sâu sắc và nhẹ nhàng hơn.
Một người trẻ hôm nay không cần phải đứng giữa chiến trường để được gọi là yêu nước. Với Khoa, “mặt trận” lớn nhất mà Gen Z đang chiến đấu mỗi ngày là gì?

Em luôn tin rằng yêu nước, trước hết, là một nhận thức sâu sắc chứ không chỉ là những hành động mang tính biểu tượng. Khi tình yêu ấy thực sự bắt nguồn từ tư tưởng, nó sẽ thấm nhuần vào cách chúng ta sống, học tập, làm việc, thể hiện ở mọi khía cạnh của đời sống hằng ngày. Ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử, mặt trận của lòng yêu nước cũng thay đổi.
Nếu như cha ông mình đã từng phải xông pha nơi chiến trường, thì hôm nay, mặt trận của thế hệ trẻ là từng lớp học, phòng nghiên cứu, công sở và cả không gian mạng nữa. Em tin rằng chỉ cần mỗi người trẻ sống tốt phần mình thì đó đã là một đóng góp quý giá cho đất nước rồi.
Theo Khoa, người trẻ cần trang bị những kiến thức, kỹ năng hay điều gì để có thể vững vàng giữa bối cảnh hội nhập, nhưng vẫn giữ được bản sắc và giá trị riêng của mình?
Em tin rằng đối với các cá nhân, hội nhập không có nghĩa là đánh mất mình để trở thành một ai khác, mà là hành trình làm giàu bản thân bằng cách tiếp nhận thêm những giá trị mới. Vì vậy, điều tiên quyết với người trẻ khi bước vào môi trường hội nhập là phải hiểu rõ: hội nhập là mở rộng, không phải thay thế.

Từ nền tảng nhận thức đó, em nghĩ mỗi bạn trẻ cần trau dồi một “hành trang kép”. Một mặt là các giá trị để vững bước hội nhập như kiến thức chính trị, xã hội, kỹ năng ngoại ngữ, tư duy toàn cầu, khả năng giao tiếp, ứng xử đa văn hóa; mặt còn lại là sự thấu hiểu và niềm tự hào về bản sắc Việt Nam, từ ngôn ngữ, văn hóa đến lịch sử và tinh thần dân tộc.
Khi nhắc đến cụm từ “Người Việt Mới”, Khoa định nghĩa như thế nào? Có thông điệp mà Khoa muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình hay không?
Theo em, “Người Việt Mới” là thế hệ trẻ hội tụ cả tư duy hiện đại và bản lĩnh gìn giữ cội nguồn. Họ sẵn sàng tiếp nhận cái mới, nhưng cũng chủ động làm sống động lại những giá trị truyền thống, thay vì để chúng ngủ yên trong ký ức.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mỗi người trẻ cần chủ động vươn mình cùng đất nước. Sự chuyển mình của quốc gia bắt đầu từ những chuyển động bên trong từng cá nhân. Chỉ cần bạn sống có lý tưởng, có trách nhiệm và giữ được bản sắc riêng, thì dù ở bất kỳ đâu, bạn vẫn là một phần của hành trình kiến tạo một Việt Nam hiện đại và đáng tự hào.

Xin cảm ơn Đăng Khoa về cuộc trò chuyện này.
Doctor247 tin rằng với nội lực vững vàng và lý tưởng rõ ràng, Khoa sẽ tiếp tục là hình ảnh đại diện cho một thế hệ trẻ Việt Nam bản lĩnh, tử tế và dám vươn mình ra thế giới.
Người Việt Mới là series phỏng vấn của Doctor247 về những con người Việt Nam rất mới – mới trong suy nghĩ, trong hành động và trong cả hành trình phá vỡ định kiến.