Chị Lan, 38 tuổi, lập gia đình 10 năm, sinh được hai con. 5 năm nay, chị sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày song thường xuyên thấp thỏm về hậu quả của thuốc. Gần đây, chị phát hiện mắc bệnh mỡ máu, huyết áp cao, nguy cơ đột quỵ có thể tăng do sử dụng thuốc nội tiết, do đó chị bàn với chồng đi triệt sản, còn vợ sẽ bỏ thuốc.
Vừa nghe xong, anh Nam, chồng chị, nóng phừng mặt, gạt phắt đi. Người đàn ông cho rằng thắt ống dẫn tinh sẽ dẫn đến liệt dương, suy giảm bản lĩnh, “chẳng khác gì thiến sống”. Cả hai ngủ riêng, không quan hệ để ngừa mang thai. Sợ tình trạng này kéo dài ảnh hưởng hạnh phúc gia đình, chị đành đến bệnh viện để thắt ống dẫn trứng.
Bác sĩ Thành tư vấn sức khỏe sinh sản cho người bệnh. Ảnh: Thùy An
Bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết phương pháp này có thể ngừa thai gần như tuyệt đối, song phải nội soi can thiệp tương tự một cuộc đại phẫu. Do đó, bác sĩ thường kết hợp thắt ống dẫn trứng ngay trong cuộc mổ đẻ. “Không ai tự nhiên đi thắt ống dẫn trứng, vừa tốn thời gian, vừa ảnh hưởng sức khỏe”, ông Thành nói.
Chưa kể, chị Lan đừng ba lần gây tê để sinh mổ, sức khỏe suy giảm. Bác sĩ khuyên chị tham khảo thêm phương pháp cấy que hoặc đặt vòng để tránh mang thai ngoài ý muốn.
Tương tự, chị Ngọc, 30 tuổi xin bác sĩ thắt ống dẫn trứng ngay trong cuộc mổ. Chị có hai bé gái, hiện đang mang thai bé thứ ba, không có ý định sinh thêm con bởi “không đủ tiền để nuôi 5 miệng ăn”. Trước đó, chị động viên chồng đi triệt sản, nhưng anh cho rằng thắt ống dẫn tinh khiến đàn ông liệt dương, yếu sinh lý, mất phong độ. “Để giữ chồng, tôi buộc phải lựa chọn”, chị Ngọc cho hay.
Theo bác sĩ Thành, triệt sản ở nữ là phương pháp làm tắc nghẽn ống dẫn trứng để ngăn tinh trùng và trứng gặp nhau. Biện pháp này thích hợp cho những cặp vợ chồng không có nhu cầu có thêm con nữa hoặc mắc bệnh lý nền nặng như suy tim nặng, bệnh phổi mạn tính, suy thận, tăng huyết áp, tâm thần. Người bị ung thư sinh dục, sa sinh dục, tiền sử mổ lấy thai nhiều lần, mổ bóc nhân xơ tử cung… cũng triệt sản để tránh mang thai ngoài ý muốn.
Phương pháp này có thể ngừa thai đến 99%, không ảnh hưởng đến hormone trong cơ thể, chu kỳ kinh nguyệt, buồng trứng. Sau triệt sản, tâm lý chị em cũng thoải mái hơn, đời sống tình dục thăng hoa do không lo lắng mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, phương pháp này không phòng tránh được các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
“Điều đáng lo lắng là trong xã hội hiện đại nhưng trách nhiệm tránh thai dường như đang đổ dồn lên vai phụ nữ. Thậm chí, khi hậu quả ngoài ý muốn xảy ra thì mọi điều tiếng chị em đều hứng chịu”, bác sĩ Thành nói.
Trên các hội nhóm, nhiều chị em chia sẻ đi triệt sản chỉ để chiều ý chồng, bảo vệ hạnh phúc gia đình, sợ chồng bỏ bê vợ, ngoại tình… Tỷ lệ nữ đi triệt sản luôn cao hơn so với nam. Theo kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2020, toàn quốc có 12.828.450 phụ nữ 15-49 tuổi đã lập gia đình, ghi nhận hơn 120.850 ca đình sản nữ trong khi đình sản nam có khoảng 10.070 trường hợp. Tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi có gia đình sử dụng biện pháp triệt sản chiếm 0,9%. Trong đó, 55,1% nữ giới chọn triệt sản khi có ba con trở lên, 40,3% phụ nữ chọn đình sản khi đã sinh đủ hai con.
Ngược lại, trên thế giới, phương pháp triệt sản nam lại rất phổ biến. Tại Mỹ, nơi có đạo luật cấm phá thai, ước tính mỗi năm khoảng 500.000 nam giới thắt ống dẫn tinh. Khảo sát Quốc gia Mỹ về Phát triển Gia đình năm 2012-2017 cho thấy khoảng 5-6% nam giới 18-45 tuổi thực hiện thủ thuật này.
Cùng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Quang Khải, Khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu – Nam học, Bệnh viện E, cho biết gánh nặng tránh thai luôn đè nặng lên người phụ nữ, do nam giới cho rằng sử dụng bao cao su sẽ giảm cảm giác, còn thắt ống dẫn tinh ảnh hưởng sinh lý, phong độ, bản lĩnh…
Thực tế, quan hệ tình dục phụ thuộc nhiều yếu tố như tinh thần, cảm xúc, không gian, sự ăn ý của hai vợ chồng. Còn thắt ống dẫn tinh là ngăn chặn tinh trùng được phóng ra ngoài cơ quan sinh dục, không ảnh hưởng đến hormone hay nhu cầu tình dục…
Chưa kể, biện pháp triệt sản nam thường đơn giản hơn, chỉ cần gây tê tại chỗ, thủ thuật diễn ra trong 30 phút. Còn thắt ống dẫn trứng là ca phẫu thuật xâm lấn (sử dụng dao kéo), phải gây mê hoặc gây tê tủy sống. Sau thắt, người phụ nữ mất nhiều thời gian hồi phục hơn, có thể bị viêm nhiễm, chảy máu hoặc biến chứng do xuất huyết.
Các bác sĩ khuyên nam giới cần chia sẻ nhiệm vụ tránh thai với vợ, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa giúp đời sống vợ chồng thêm thăng hoa.
Theo: VNE