Chủ đề
Điểm tin nóng 24/04/2025: Tình hình kinh doanh của hai “ông lớn” ngành FMCG trong quý I/2025 có gì nổi bật?
Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được đánh giá là một trong những lĩnh vực có mức tăng trưởng ổn định, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến đạt 3,2% trong giai đoạn 2024-2029(1). Trong quý I/2025, hai tập đoàn hàng đầu trong ngành – Unilever và Procter & Gamble (P&G) – đã ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, song vẫn bày tỏ sự thận trọng trước những bất ổn kinh tế toàn cầu đang tiếp diễn.
Unilever tăng trưởng doanh số nhờ chiến lược tăng giá và tái cấu trúc
Unilever mở đầu năm 2025 với kết quả kinh doanh tích cực khi doanh số trong quý I tăng 3%, vượt mức dự báo 2,8% của các nhà phân tích. Đà tăng trưởng này chủ yếu đến từ chiến lược điều chỉnh giá bán cùng nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đối với các sản phẩm FMCG, đặc biệt là các thương hiệu nổi bật như Dove, Vaseline, Magnum và Liquid I.V(2).

Trong bối cảnh lạm phát ảnh hưởng đến xu hướng chi tiêu, kể cả đối với các mặt hàng FMCG, Unilever đã tận dụng lợi thế danh mục sản phẩm cao cấp để đảm bảo biên lợi nhuận và duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường. Đáng chú ý, đây cũng là báo cáo đầu tiên dưới thời CEO mới Fernando Fernandez – người kế nhiệm Hein Schumacher sau cuộc chuyển giao bất ngờ vào tháng 2/2025(3). Theo đó, ông Fernandez khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược tái cấu trúc sâu rộng, bao gồm việc tách riêng mảng kem thành một đơn vị độc lập vào cuối năm nay.
Dù phải đối mặt với những thay đổi về chính sách thuế tại Mỹ, Unilever khẳng định phần lớn hoạt động sản xuất tại thị trường này đã được nội địa hóa đã giúp giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực. “Với các khoản đầu tư hiện tại tại Mỹ và chuỗi cung ứng phần lớn đã được nội địa hóa, chúng tôi kỳ vọng tác động sẽ ở mức tối thiểu vào thời điểm này”, CEO Fernando Fernandez chia sẻ.
P&G tăng trưởng ổn định dù người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu
Bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang chịu nhiều sức ép từ lạm phát kéo dài và tâm lý chi tiêu thận trọng của người tiêu dùng. Trong năm nay, một số danh mục sản phẩm được dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, đặc biệt với các doanh nghiệp FMCG lớn như P&G. Trước tình hình đó, tập đoàn đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược kinh doanh bằng cách ra mắt các sản phẩm mới như Tide Evo và thay đổi kích cỡ bao bì nhằm phù hợp hơn với nhóm khách hàng nhạy cảm về giá.

Trong quý I/2025, P&G ghi nhận doanh thu thuần đạt 21,7 tỷ USD, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước(4). Dù đối mặt với nhiều thách thức, tập đoàn vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng doanh số hữu cơ từ 2% đến 4% trong năm tài chính, đồng thời dự báo lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) dao động từ 6,91 đến 7,05 USD(5).
Đồng thời, với danh mục sản phẩm thiết yếu trải rộng từ chăm sóc cá nhân, vệ sinh gia dụng đến chăm sóc trẻ em, P&G tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những doanh nghiệp ổn định nhất trong ngành FMCG.
“Người tiêu dùng có thể dễ dàng cắt giảm đồ ăn vặt, nhưng họ hiếm khi từ bỏ các thương hiệu chăm sóc cá nhân đã gắn bó trong nhiều năm” – Chuyên gia phân tích Blake Droesch từ eMarketer.
Nguồn: Tổng hợp
(1) https://www.marketresearch.com/Infiniti-Research-Limited-v2680/Global-FMCG-39631100/
(3) https://www.reuters.com/business/retail-consumer/unilever-ceo-schumacher-step-down-2025-02-25/