Chủ đề
‘Đừng chủ quan với bệnh dại’
Chuyện xảy ra vào một tối mình trực cột 1.
Nửa đêm, một bác sĩ vào nhờ mình ra xem bệnh cho 1 trường hợp bị tăng thông khí. Bệnh nhân nhập viện vì thở rất nhanh, thỉnh thoảng la hét nhưng vẫn tỉnh táo hoàn toàn.
Xét nghiệm máu có đường huyết tăng nhẹ, các bác sĩ đang tranh luận về việc thở nhanh và tăng đường huyết cần loại trừ nhiễm toan ceton và tăng áp lực thẩm thấu hay không. Tuy nhiên, kết quả phân tích khí máu động mạch lại cho tình trạng nhiễm kiềm hô hấp, phù hợp với cơn hysteria chứ không nhiễm toan. Do đó, nên cho về đi khám bác sỹ tâm lý sẽ phù hợp hơn.
Mình ra xem, bệnh nhân nữ mới ngoài 20 tuổi, nằm co người một góc trên cáng, thỉnh thoảng lại lên cơn thở nhanh hồng hộc. Mỗi lần như thế, cậu bạn trai đi cùng lại luống cuống cho uống ít nước nhưng bị bệnh nhân gạt ra, từ chối. Mình khám lại cho bệnh nhân thì thấy hầu hết không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc giảm phản xạ gân xương và tăng tiết nước bọt khá nhiều. Hỏi ra thì cậu bạn trai bảo 2 ngày nay, chả hiểu sao nó cáu gắt và la hét với em suốt.
Mình ra bàn ngồi, bọn trẻ hỏi: “Em cho về khám tâm thần nhé?” Lật cái bệnh án, đúng chỗ kết quả đường huyết tăng, bất chợt rợn tóc gáy. Mình vội chạy ra lay bệnh nhân hỏi em làm nghề gì. Bệnh nhân làm bác sĩ thú y, 2 tháng trước có khám cho 1 con chó nhỏ bị viêm phổi. Lúc tiêm cho nó, bạn bị cắn vào ngón tay. Mọi người bảo vết xước nhỏ tí không cần tiêm phòng đâu nên bạn chỉ sát trùng xong rồi thôi. Vài ngày sau, không thấy người ta mang chó đến và bạn cũng quên mất.
Mình buông bút ghi theo dõi cơn dại.
Vài ngày sau, lúc bạn tử vong thì kết quả từ viện vệ sinh dịch tễ trung ương trả về có PCR dịch não tủy dương tính với virus dại.
Bệnh dại là bệnh lý truyền nhiễm do virus dại lây sang người qua vết cắn của động vật. Virus này có ái tính và đi từ vết cắn vào hệ thần kinh rồi gây viêm nhiễm. Tùy theo vết cắn và vị trí bị cắn mà thời gian di chuyển của virus vào não nhanh hay chậm. Đôi khi có thể 1-3 tháng, thậm chí cả năm. Khi virus dại gây viêm não rồi thì không có thuốc nào điều trị được. Người bệnh chắc chắn sẽ chết sau 2 đến 10 ngày.
Điều mấu chốt ở đây là bệnh nhân bị cắn đã chủ quan cho rằng giữa thành phố lớn làm gì có chó chết vì bệnh dại. Tại bệnh viện, cơn dại thường trùng với triệu chứng của nhiều bệnh khác nên chẩn đoán ban đầu rất khó, xét nghiệm định danh lại càng khó. Bác sĩ chỉ chẩn đoán được khi nghĩ đến nó. Tuy nhiên, vấn đề là đến khi chẩn đoán được thì mình chưa thấy có trường hợp nào còn sống cả.
Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có tỷ lệ bệnh dại cao trên thế giới. Theo báo cáo tổng kết chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại từ 2017-2021, miền Bắc có số người tử vong vì bệnh dại cao nhất cả nước (39%). Ngay tại Hà Nội, hầu như năm nào cũng có người tử vong vì dại.
Trong 5 năm, có đến gần 2,5 triệu người bị cắn và phơi nhiễm với bệnh dại. Con số này cao hơn 30% so với giai đoạn 2012-2016.
Khi tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động từ chó ốm hoặc có biểu hiện nghi ngờ thì có xấp xỉ 11% số mẫu dương tinh với virus dại.
Điều này là bởi phong trào nuôi thú cưng hiện nay ngày một phát triển, số người bị cắn tăng lên. Mọi người thì nghĩ các thành phố lớn sạch sẽ thì làm gì còn dại. Thế nên, khi vào các hội nhóm đọc bài mà rợn tóc gáy. Người ta đẻ ra các “truyền thuyết” xung quanh vaccine dại, lấy đó làm lý do khuyên nhau đừng đi tiêm vaccine kẻo phản ứng phụ, mất trí nhớ, mệt mỏi kinh niên… Mà họ đâu biết rằng đôi khi những “truyền thuyết” vu vơ này sẽ giết chết người một cách hồn nhiên và vô trách nhiệm.
Cho đến thời điểm hiện tại, Cách duy nhất để đối phó với bệnh dại là tiêm phòng vaccine dại cho người bị cắn, còn khi đã phát bệnh rồi thì không có thuốc nào chữa được. Biểu đồ dưới đây cho thấy một sự thật rõ ràng, nhờ sự hiểu biết của người dân tăng cao lên nên từ năm 1995 cho đến nay, số lượng người tiêm phòng dại tăng lên đã làm tỷ lệ tử vong do bệnh Dại giảm xuống. Nếu không được tiêm vắc xin điều trị dự phòng dại đầy đủ, thì ước tính số lượng chết do dại có thể lên tới hàng nghìn lượt mỗi năm.
Vậy nên, các bạn nuôi thú cưng cũng cần có trách nhiệm với cộng đồng bằng cách tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi của mình. Hơn hết, rọ mõm cho chó khi ra đường.
Còn các bạn đã bị chó, mèo hay bất kể con vật nào có thể mang virus dại cắn, cần xem xét đi tư vấn tiêm phòng dại để tránh những cái chết thương tâm. Đó là lý do mình phản ứng rất mạnh với những lời khuyên phải gọi là “sự độc ác một cách hồn nhiên” như thế.
Đến giờ, mình vẫn còn ám ảnh mãi câu hỏi của bạn bệnh nhân ấy “em bị dại là sẽ chết hả bác sĩ”. Mình không dám trả lời, vội quay đi, chỉ mong hôm ấy mình nhầm.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng
Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai
(Nguồn bài viết: Facebook Hung Ngo)