Chủ đề
Đồ uống “không đường”, “ít calo”: Ngỡ giúp giảm cân nhưng hóa ra lại kích thích thèm ăn!
Một nghiên cứu tại Mỹ đã phát hiện sự thật chấn động: các chất tạo ngọt như sucralose thường sử dụng trong các loại đồ uống được quảng bá là “không đường”, “ít calo” lại gây ra cảm giác thèm ăn ở não bộ. Là đã giảm cân dữ chưa?
Chất tạo ngọt nhân tạo có thể đánh lừa não bộ khiến bạn cảm thấy thèm ăn hơn
Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện thêm một tác động tiêu cực tiềm ẩn của chất tạo ngọt nhân tạo sucralose (được bán dưới tên thương mại Splenda). Lần này, ảnh hưởng không nằm ở hệ tiêu hóa mà là ở não bộ.
Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên trên 75 người trưởng thành, họ sẽ uống một loại đồ uống có chứa sucralose. Các nhà khoa học sau đó đã phát hiện lưu lượng máu tăng lên đột biến tại vùng dưới đồi (hypothalamus) – một khu vực của não bộ điều khiển cảm giác thèm ăn và cơn đói.
Ngược lại, cũng là 75 người này uống đồ uống có chứa đường sucrose (đường ăn thông thường), mức độ đói lại giảm đi. Lượng đường trong máu tăng mạnh, đi kèm với việc giảm lưu lượng máu đến vùng dưới đồi.
Hai giờ sau khi uống đường thật, người tham gia cũng báo cáo mức độ đói thấp hơn đáng kể so với khi họ uống đồ uống sử dụng sucralose. Phát hiện này hoàn toàn phù hợp với một số nghiên cứu trước đó trên loài gặm nhấm.
Các chất tạo ngọt không calo có thể không thực sự hữu ích trong việc giảm cân hoặc kiểm soát cảm giác thèm đường về lâu dài. Trái lại, chúng có vẻ làm thay đổi cách vùng dưới đồi giao tiếp với các vùng khác của não.
Ngọt hơn đến 600 lần nhưng… vẫn không đủ để “đánh lừa” cơ thể
Sucralose là chất tạo ngọt có độ ngọt gấp lên đến 600 lần đường ăn thông thường, nhưng lại không chứa calo. Điều này có thể tạo ra một “sự lệch pha” giữa kỳ vọng về năng lượng của cơ thể và thực tế không có năng lượng nào được nạp vào.
Cụ thể, tiến sĩ Kathleen Alanna Page, nhà nội tiết học từ Đại học Nam California và là người giám sát nghiên cứu giải thích rằng: “Nếu cơ thể của bạn kỳ vọng sẽ nhận được calo do vị ngọt, nhưng thực tế lại không nhận được, điều đó có thể thay đổi cách não bộ phản ứng và tạo cảm giác thèm ăn theo thời gian.”
Khác với đường thật, những chất tạo ngọt như sucralose không làm tăng lượng đường trong máu cũng như kích thích sản sinh các hormone như insulin hay GLP-1. Đây vốn là những hormone có vai trò thông báo với não rằng cơ thể đã nạp năng lượng, từ đó làm giảm cảm giác đói.
Một thời gian trước đây, Splenda (tên thương mại của sucralose) cũng từng được xem là chất “trơ sinh học”, tức những chất không gây tác động đến cơ thể. Nhưng ngày càng nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy các dấu hiệu đáng lo ngại, bao gồm:
- Tổn thương DNA;
- Giảm khả năng dung nạp glucose;
- Thay đổi hệ vi sinh đường ruột.
Hai năm sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát đi cảnh báo về những tác động trao đổi chất và viêm nhiễm tiềm tàng của sucralose, nghiên cứu lần này càng củng cố lý do để thận trọng với loại chất làm ngọt tưởng chừng “vô hại” này.
“Nothing in life comes free, not even a sugar-free drink.”