Điều trị sốt xuất huyết tại nhà và những điều cần lưu ý - Doctor247

Điều trị sốt xuất huyết tại nhà và những điều cần lưu ý

Sốt xuất huyết giống như nhiều tình trạng bệnh lý khác, phụ thuộc vào hoàn cảnh của bệnh nhân để xem xét việc điều trị tại nhà, song cũng đi kèm với những lưu ý quan trọng để không khiến bệnh tiến triển nặng. 

Sốt xuất huyết có điều trị tại nhà được không? 

Khi được hỏi rằng có thể điều trị sốt xuất huyết tại nhà được không, TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn phản hồi: “Không phải bệnh nhân nào được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết cũng phải nhập viện điều trị”. Theo ông, để phòng tránh trường hợp quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện, chúng ta cần xác định được những đối tượng nên nhập viện. Đối với những người bị xuất huyết nhẹ thì đều có thể điều trị tại nhà cũng như thăm khám tại các cơ sở tuyến huyện, phường xã. Trong những ngày đầu, người thân có thể theo dõi tình trạng của người mắc sốt xuất huyết dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế. 

Theo đó, TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn cũng cho biết người bệnh có thể sử dụng những dung dịch bù nước và thuốc hạ sốt theo hướng dẫn chuyên môn. Đồng thời nếu như có các dấu hiệu bệnh tình chuyển nặng, hoặc đối tượng có cơ địa đặc biệt như trẻ nhỏ, dư cân, phụ nữ có thai, người già hoặc những người có bệnh lý nền như bệnh tim, phổi, gan, thận… thì sẽ cần phải nhập viện. 

Điều trị sốt xuất huyết tại nhà phụ thuộc vào tình trạng hiện tại của bản thân
Điều trị sốt xuất huyết tại nhà phụ thuộc vào tình trạng hiện tại của bản thân

Những giai đoạn cần lưu ý khi bị sốt xuất huyết 

Thông thường, sốt xuất huyết thường khởi phát bệnh trong vòng 1 tuần. “Khi bị sốt xuất huyết, trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Lúc này người bệnh có thể phục hồi nếu được chăm sóc đúng cách, nhưng cũng có thể diễn tiến xấu với các biểu hiện như: Mệt lả nhiều hơn, buồn nôn, đau tức vùng gan, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít,… thì cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời” – TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn nhận định. 

Cơ thể hạ sốt không có nghĩa là hết bệnh sốt xuất huyết
Cơ thể hạ sốt không có nghĩa là hết bệnh sốt xuất huyết

Ông cho biết thêm, từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Đây là giai đoạn đặc biệt nguy hiểm của sốt xuất huyết thường xảy ra vào lúc người bệnh đã giảm hoặc hết sốt. Cần phải chú ý theo dõi sát giai đoạn này, bởi vì nếu không có triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo bệnh tình chuyển biến tiêu cực thì cơ thể sẽ chuyển sang giai đoạn hồi phục. 

TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn cũng cảnh báo rằng nếu sốt xuất huyết không thuyên giảm mà tiếp tục chuyển nặng thì sẽ gây ảnh hướng xấu đến người bệnh, thậm chí tử vong. Trong đó các dấu hiệu cảnh báo bệnh đang khởi phát nặng có thể kể đến như mệt mỏi nhiều hơn, thay đổi trạng thái tinh thần ví dụ như kích thích, bứt rứt, lừ đừ, đau bụng, buồn nôn liên tục hoặc nôn ói, xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, nôn ra máu, đi cầu phân đen, xuất huyết âm đạo… Những triệu chứng này vẫn có thể xuất hiện dù cho đã giảm hoặc hết sốt. Chính những dấu hiệu này là cảnh báo của biến chứng nặng từ sốt xuất huyết là sốc, xuất huyết nặng suy đa cơ quan, có thể dẫn đến tử vong. 

Bởi vì mức độ nguy hiểm của bệnh, nên khi thấy giảm sốt hoặc hết sốt, bạn vẫn cần đi thăm khám tại trung tâm, bệnh viện để các bác sĩ xác định đã khỏi bệnh hay chưa, hay đây chỉ là giai đoạn giảm sốt trước khi bước vào giai đoạn nguy hiểm. Suy nghĩ khi hạ sốt là khỏi bệnh sốt xuất huyết là không chính xác và có nguy cơ dẫn đến những tình trạng nguy hiểm cho cơ thể. 

Để có thể tự điều trị tại nhà cũng cần căn cứ theo từng trường hợp khác nhau. Nhưng dù bất cứ trường hợp nào cũng nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ để có những phương án phù hợp từ trong và sau bệnh.

Theo Tuổi Trẻ

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận