Dịch cúm bùng phát cuối năm: cần tiêm chủng phòng ngừa - Doctor247

Dịch cúm bùng phát cuối năm: cần tiêm chủng phòng ngừa

Trước sự gia tăng nhiều trường hợp mắc bệnh về đường hô hấp, số ca nhiễm Covid-19 mới cũng tăng cao trong thời điểm cuối năm, tôi muốn chia sẻ một lần nữa rằng tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm.

Báo động cuối năm

Những ngày cuối năm 2023 chứng kiến sự gia tăng bùng phát các trường hợp mắc bệnh về đường hô hấp, đồng thời số ca nhiễm Covid-19 mới cũng tăng cao tại Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Nam Á lân cận Việt Nam.

Hội chứng phổi trắng do vi khuẩn mycoplasma gây ra khiến nhiều trẻ em cấp cứu trong tình trạng không thở được cũng bất ngờ bùng phát.

Tại Việt Nam, số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, nhiễm bệnh đậu mùa khỉ gia tăng cuối năm 2023. Dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương.

Bộ Y tế vừa có văn bản về việc tăng cường phòng chống cúm gia cầm lây sang người, bởi hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm dịp Tết Nguyên đán năm 2024 chắc chắn gia tăng, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm.

Bên cạnh đó, thời tiết cuối năm trong giai đoạn chuyển mùa khô, lạnh, thay đổi bất thường; tần suất di chuyển và giao lưu cộng đồng trong mùa du lịch và lễ hội cuối năm lại gia tăng, chính là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển, lây lan.

Các vi khuẩn gây bệnh có điều kiện sinh sôi, phát triển và hoạt động mạnh, dẫn đến các bệnh đường hô hấp gia tăng, nhất là đối với nhiều người dân đã suy yếu khả năng miễn dịch.

Trẻ em lẫn người lớn cần chú ý phòng, chống dịch cúm lây mạnh cuối năm

Cộng đồng chú ý tiêm phòng bệnh cúm

Thời điểm cuối năm luôn khiến nhân viên y tế ngành y tế, đặc biệt là y tế dự phòng như chúng tôi dễ gặp quá tải. Trong đó có việc tiêm phòng bệnh cúm cho cộng đồng. Đây là căn bệnh phổ biến bậc nhất và càng tác động cộng đồng mạnh hơn trong thời điểm cuối năm.

Cúm mùa là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do vi rút Influenza gây nên. Triệu chứng của bệnh là sốt vừa đến sốt cao, cảm giác ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt….

Người bệnh cũng rơi vào tình trạng ho nặng và kéo dài, có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy) đặc biệt là ở trẻ em.

Bệnh cúm gây ra các biến chứng như: viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não và có thể dẫn đến tử vong. Người bệnh suy giảm miễn dịch hoặc người lớn tuổi mắc các bệnh mãn tính có thể diễn tiến nặng hơn.

Để phòng, chống bệnh cúm và các hậu quả kéo theo thì người dân cần tăng cường tiêm chủng cho mình và người thân, con em trong gia đình. Đây là biện pháp dự phòng an toàn nhất, hiệu quả nhất để dự phòng nguy cơ mắc bệnh, tử vong. Đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả trẻ em lẫn người lớn.

Người dân tăng cường chú ý dịch cúm, tiêm chủng cho mình và người thân, con em trong gia đình.

Tiêm chủng là việc đưa vắc-xin nhằm kích thích hệ thống miễn dịch phát triển sự miễn dịch thích ứng đối với một căn bệnh. Vắc-xin có thể ngăn ngừa hoặc cải thiện các hiệu ứng lây nhiễm của nhiều tác nhân gây bệnh.

Hiệu quả của tiêm phòng đã được nghiên cứu rộng rãi và xác minh, ví dụ các thuốc chủng ngừa cúm, vắc-xin HPV, thủy đậu… cùng nhiều loại khác.

Các bằng chứng khoa học và thực tiễn cho thấy tiêm chủng rất quan trọng, to lớn và toàn diện, tác động trên mọi lĩnh vực như:

Về tác động sức khỏe, tiêm chủng vắc-xin giúp tạo miễn dịch cộng động, giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong, tăng tỷ lệ trẻ đẻ sống và tăng tuổi thọ.

Về tác động xã hội, tiêm chủng phòng, tránh bệnh giúp giảm nghỉ việc do phải chữa bệnh hoặc chăm sóc con trẻ ốm, tăng lực lượng và năng suất lao động…

Về tác động kinh tế, phòng, tránh bệnh bằng tiêm chủng giúp giảm gánh nặng chi phí điều trị y tế, tiết kiệm chi phí gia đình, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người.

Trong mùa lễ hội cuối năm, tôi mong mỗi người chúng ta càng cần phải nâng cao ý thức và chủ động trong việc tiêm chủng vắc-xin hằng năm để chuẩn bị một sức khỏe tốt nhất cho gia đình mình.

Một lưu ý nữa là để phòng bệnh cần tăng cường chế độ ăn uống dinh dưỡng phù hợp, luyện tập trong sinh hoạt. Đến nơi đông người, chúng ta vẫn nên duy trì thói quen đeo khẩu trang, sát khuẩn tay… để bảo vệ chính mình và mọi người xung quanh.

Chúc mọi người có một mùa lễ hội, đón năm mới 2024 thật khoẻ mạnh, an toàn và an lành.

BS. MAI THỊ LÝ

GĐ chuyên môn Hệ thống tiêm chủng Hạnh Phúc 

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận