Sợ thật hay đùa [Kỳ 8]: Decidophobia - Bạn có lo sợ khi phải đưa ra những quyết định? - Doctor247

Sợ thật hay đùa [Kỳ 8]: Decidophobia – Bạn có lo sợ khi phải đưa ra những quyết định?

Decidophobia, một cái tên có thể khá xa lạ với đa số mọi người nhưng giải nghĩa ra thì ai cũng có thể bắt gặp chính bản thân mình trong đó, đó là lúng túng, lo âu, hay thậm chí sợ hãi khi phải đối mặt với việc đưa ra những quyết định. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, tác động và các biện pháp khắc phục hội chứng này để vượt qua nỗi sợ này nhé.

Nếu bạn lo lắng đến sợ hãi khi phải đưa ra những quyết định dù là cực kỳ nhỏ, có thể bạn đã mắc Decidophobia
Nếu bạn lo lắng đến sợ hãi khi phải đưa ra những quyết định dù là cực kỳ nhỏ, có thể bạn đã mắc Decidophobia

Decidophobia – Khi bạn căng thẳng đến mức lo sợ vì phải đưa ra những quyết định

Decidophobia là một hội chứng tâm lý đặc biệt, xuất hiện khi một người cảm thấy lo lắng, căng thẳng hoặc sợ hãi quá mức khi phải đưa ra bất kỳ quyết định nào. Từ những lựa chọn đơn giản như chọn món ăn đến quyết định quan trọng hơn trong công việc hay cuộc sống, người mắc hội chứng này thường cảm thấy mất kiểm soát.

Người mắc Decidophobia thường gặp phải các biểu hiện như lo lắng quá mức, họ có xu hướng tránh né hoặc trì hoãn các quyết định do lo lắng sẽ lựa chọn sai lầm. Và cùng đừng nhầm lẫn, đây hoàn toàn có thể xem là một hội chứng lo âu vì về mặt thể chất, người mắc có thể sẽ bị nhịp tim tăng, run rẩy và khó thở khi đứng trước quyết định, ngay cả khi nó không quan trọng. Vì sợ hãi đưa ra quyết định, họ thường cố gắng giao phó lựa chọn cho người khác, thậm chí bỏ qua hoàn toàn.

Nguyên nhân gây ra Decidophobia rất đa dạng, có thể đến từ những yếu tố cá nhân, xã hội hoặc cả di truyền. Những trải nghiệm tiêu cực hoặc thất bại trong quá khứ có thể tạo ra tâm lý sợ hãi đối với việc ra quyết định. Ví dụ, một người từng gặp rủi ro khi đưa ra quyết định sai lầm có xu hướng ngại ngùng khi đối diện với tình huống tương tự.

Ảnh hưởng của giáo dục và gia đình cũng có tác động lớn, nhiều người lớn lên trong môi trường có sự kiểm soát chặt chẽ hoặc bị phán xét gay gắt khi đưa ra lựa chọn sai thường dễ mắc Decidophobia. Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng một số người có xu hướng bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền khi có người thân từng mắc các rối loạn lo âu.

Có những quyết định nếu chậm trễ sẽ khiến cơ hội phát triển bản thân "trôi tuột"
Có những quyết định nếu chậm trễ sẽ khiến cơ hội phát triển bản thân “trôi tuột”

Làm sao để thoát khỏi Decidophobia?

Khi bạn lo sợ trước những quyết định quan trọng, nó không chỉ gây cản trở trong cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân và sự nghiệp. Nỗi sợ hãi kéo dài khiến những ngườ mắc cảm thấy bất an, căng thẳng, và khó khăn trong việc tận hưởng các khoảnh khắc. Tệ hơn thế, Decidophobia có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn lo âu, trầm cảm, và stress mãn tính.

Vậy làm thế nào để vượt qua? Vượt qua Decidophobia cần thời gian, sự kiên nhẫn và các kỹ thuật giúp điều hòa cảm xúc. Bước đầu tiên là chấp nhận và đối diện với nỗi sợ của chính mình, bằng cách tập trung vào những quyết định nhỏ hàng ngày để dần dần quen thuộc với quá trình ra quyết định.

Phân tích tình huống cũng là một yếu tố quan trọng, nó sẽ giúp người mắc hội chứng nhìn nhận tình huống một cách khách quan hơn và giảm bớt cảm giác sợ hãi. Đồng thời, thực hành thiền, yoga, hoặc các bài tập thở có thể giúp cơ thể thư giãn và kiểm soát cảm xúc tốt hơn khi đối diện với những quyết định khó khăn.

Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy tình trạng sợ hãi khi ra quyết định gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày, có lẽ đã đến lúc bạn cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của Decidophobia và cung cấp các phương pháp điều trị phù hợp như trị liệu hành vi hoặc tư vấn tâm lý.

Đôi khi, khó khăn trong việc đưa ra một quyết định nào đó cũng là một vấn đề tâm lý mà chúng ta cần chú ý chứ không đơn thuần là thuộc “hội người hèn”. Vì vậy, hãy quan tâm và chú ý đến những biểu hiện để có thể tự mình thoát ra khỏi những bối rối khi đưa ra quyết định, hoặc tham khảo ý kiến của chuyên gia tâm lý bạn nhé.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận