Chủ đề
David Beckham mắc hội chứng ‘ám ảnh sạch sẽ’
Hội chứng ám ảnh sạch sẽ khiến David Beckham luôn muốn mọi thứ xung quanh anh phải thật hoàn hảo.
Trong một bộ phim tài liệu mới trên Netflix, David Beckham đã mở lời về sự ám ảnh sạch sẽ trong cuộc sống hàng ngày của mình. Phim gồm 4 tập, đề cập đến những thói quen hàng đêm của cựu ngôi sao bóng đá, như lau chùi mọi góc cạnh của ngọn nến và dọn dẹp căn bếp của mình sau mỗi lần sử dụng.
“Sau khi mọi người trong gia đình đi ngủ, tôi bắt đầu dọn dẹp và sắp xếp mọi thứ. Tôi không muốn thấy bất kỳ thứ gì nằm lung tung khi xuống bếp vào buổi sáng”, Beckham nói.
Từ khi còn trẻ, Beckham luôn muốn mọi thứ xung quanh mình phải gọn gàng và theo trật tự. Thời niên thiếu, Beckham luôn ám ảnh về một căn phòng sạch sẽ, với quần áo được gấp gọn, chia theo màu sắc.
Đến nay, thói quen này vẫn không thay đổi. Phim tài liệu của Netflix cũng ghi lại hình ảnh những chiếc áo được cựu ngôi sao bóng đá này ủi và xếp ngay ngắn trong kệ tủ, theo tông màu riêng biệt.
Trong một cuộc phỏng vấn với ITV năm 2006, anh cho biết bản thân muốn sống một cách thoải mái hơn, nhưng không thể ngừng khó chịu khi nhìn thấy những thứ không sạch sẽ, ngăn nắp và đối xứng.
Beckham thường sắp xếp mọi đồ vật một cách cẩn thận, theo một trật tự nào đó hoặc theo các cặp.
“Tôi thích sắp xếp các lon nước ngọt trong tủ lạnh theo hàng. Mỗi khi tôi ở trong một phòng khách sạn, tôi luôn dọn dẹp và sắp xếp mọi thứ sao cho chúng phải hoàn hảo”, anh chia sẻ.
Victoria Beckham, vợ của anh, tiết lộ gia đình họ có ba tủ lạnh với mỗi tủ chứa các loại đồ khác nhau. “Mọi thứ trong tủ lạnh đều phải có một cặp. Nếu có ba lon cà phê, anh ấy sẽ loại bỏ một lon để chỉ còn lại hai”, cô nói.
David Beckham và những người có tính cầu toàn thường muốn mọi thứ phải hoàn hảo. Nhưng đối với những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, họ thường phải đối mặt với những lo lắng và ám ảnh liên tục, làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), rối loạn ám ảnh cưỡng chế là tình trạng sức khỏe tâm thần khiến người bệnh luôn ám ảnh về một số vấn đề trong cuộc sống và có hành vi cưỡng chế. Triệu chứng có thể biểu hiện sớm nhất khi trẻ 6 tuổi, nhưng thường rõ rệt hơn ở tuổi dậy thì và những năm đầu trưởng thành.
Hội chứng rối loạn ám ảnh sạch sẽ có ba phần chính:
- Nỗi ám ảnh
- Cảm xúc
- Sự ép buộc trong hành động.
Tiến sĩ Alex Worthington, Viện Nghiên cứu lâm sàng MAC,cho biết nỗi ám ảnh là những suy nghĩ, hình ảnh, sự nghi ngờ, lo lắng hoặc thôi thúc dai dẳng xâm chiếm tâm trí của cá nhân. Những suy nghĩ này gây ra sự khó chịu hoặc lo lắng về mặt tinh thần. Các cảm xúc bao trùm là tội lỗi, trầm cảm và ghê tởm.
Sự ép buộc thể hiện ở những hành vi lặp đi lặp lại của người bệnh để giảm bớt sự lo lắng do nỗi ám ảnh gây ra. Ví dụ, nhiều người có nỗi ám ảnh sợ trộm, hành vi cưỡng chế là thường xuyên kiểm tra xem cửa đã khóa hay chưa.
Các nỗi sợ phổ biến khác của bệnh OCD là sợ ô nhiễm, vi trùng, bụi bẩn. Nhiều người không thể chịu nổi khi thấy những thứ lộn xộn, bất đối xứng, không theo thứ tự.
Để giảm bớt cảm giác này, họ có hành động lặp đi lặp lại như giặt đồ nhiều lần, liên tục đếm, kiểm tra mọi thứ, rửa tay liên tục, tuân thủ một thói quen nghiêm ngặt. Bệnh nhân đôi khi có suy nghĩ hung hăng, mất kiểm soát, tự làm hại bản thân và người khác.
Để điều trị hội chứng ám ảnh cưỡng chế, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân thực hiện liệu pháp nhận thức hành vi, giúp họ đối mặt với nỗi sợ và suy nghĩ ám ảnh. Một số người được dùng thuốc chống trầm cảm, giúp thay đổi sự cân bằng hóa chất trong não bộ.
Theo Guardian, Mayo Clinic, Mirror, VnExpress