Đầu gối kêu "rắc rắc": Khi nào bình thường, khi nào đáng lo?
Nếu bạn cảm thấy rằng đầu gối của mình kêu rắc rắc, lạo xạo khi vận động, bạn không hề cô đơn. Trong y học, nó được gọi là crepitus
Những âm thanh này rất phổ biến và phần lớn chỉ là âm thanh bình thường của khớp đang hoạt động. Những tiếng kêu này thường do bong bóng khí siêu nhỏ trong dịch khớp vỡ ra hoặc gân, dây chằng xê dịch. Tuy nhiên, khi kèm theo đau, cứng khớp, hoặc sưng, đó có thể là dấu hiệu khởi đầu của viêm khớp hoặc tổn thương sụn.

Vì sao khớp bắt đầu phát tiếng kêu?
Ngay từ độ tuổi 30, lớp sụn trơn, đàn hồi – tấm đệm giúp xương trượt nhẹ nhàng – bắt đầu mòn dần. Khi lớp sụn này mỏng đi, xương va chạm trực tiếp, gây đau, cứng, giảm linh hoạt. Tuổi tác không phải yếu tố duy nhất. Di truyền, chấn thương trước đó, thừa cân, chế độ ăn và viêm mạn tính đều góp phần.
Thống kê tại Mỹ cho thấy, khoảng 30% người 45 - 64 tuổi, và hơn một nửa người trên 65 tuổi mắc viêm khớp. Nhưng tuổi sinh học, tức mức độ tích lũy tổn thương, mới là yếu tố quyết định thời điểm và mức độ nghiêm trọng.
Phân biệt cứng khớp thông thường và bệnh lý
Hầu hết mọi người sẽ thấy cứng khớp sau khi ngồi lâu hoặc buổi sáng ngủ dậy. Loại cứng khớp này sẽ biến mất khi bắt đầu vận động. Nhưng với viêm khớp sớm, cứng khớp thường kéo dài hơn một giờ, có thể nặng hơn khi vận động.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy, cứng khớp buổi sáng kéo dài trên một giờ kèm đau âm ỉ, sưng khớp là dấu hiệu cần đi khám. Việc phát hiện sớm giúp điều trị dễ dàng hơn nhiều.
Nhiều người cũng cho rằng mòn khớp là điều “tất yếu” khi già đi. Thực tế, tuổi tác chỉ chiếm khoảng một nửa nguy cơ. Nửa còn lại đến từ lối sống. Chạy bộ trên bề mặt cứng, bê vác nặng, hoặc lao động lặp đi lặp lại đều góp phần hủy hoại sụn nếu không có thời gian hồi phục.
Ngoài ra, viêm mạn tính âm thầm cũng là kẻ phá hoại. Chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến, uống rượu, hút thuốc, lười vận động sẽ kích thích viêm khắp cơ thể, cản trở cơ chế sửa chữa sụn.

Bảo vệ khớp: Không bao giờ là quá muộn
Nhiều người lớn tuổi nghĩ rằng họ đã quá trễ để bảo vệ khớp, nhưng sự thật là bất kỳ thay đổi tích cực nào cũng đều có ích. Duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp giảm áp lực lên khớp. Đồng thời, việc ăn nhiều cá béo (cá hồi), rau củ giàu vitamin C, E, canxi và vitamin D sẽ giúp hỗ trợ sụn và xương.
Tập luyện đều đặn luôn là nền tảng: đi bộ, bơi, đạp xe, yoga hoặc thái cực quyền giúp duy trì độ linh hoạt và sức mạnh cơ bắp. Tập tạ nhẹ cũng quan trọng vì cơ khỏe là “bộ giảm xóc” tự nhiên cho khớp.
Hãy lắng nghe cơ thể và đừng phớt lờ những âm thanh lạ đi kèm đau hoặc sưng. Khớp xương khỏe mạnh sẽ đồng hành cùng bạn bền bỉ hơn, bất kể tuổi tác.