Chủ đề
“Đạm” khoai lang tốt cho sức khỏe như thế nào?
Loại thực phẩm quen thuộc này không chỉ giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất mà khoai lang còn là một nguồn cung cấp đạm thực vật không thể bỏ qua. Đây vốn là một loại thực phẩm từ lâu quen thuộc với người Việt, nhưng khác với quan niệm là một món ăn chống đói thời khó khăn, ngày nay, khoai lang là một trong những “người bạn” mà những người theo đuổi một lối sống lành mạnh cần kết thân.
Một củ khoai trung bình có trọng lượng khoảng 180 gram, chứa 162 calo cùng 6 gram chất xơ. Lượng chất xơ này sẽ giúp người ăn no lâu và làm chậm quá trình tiêu hóa. Nhờ đó, lượng đường trong máu sẽ không tăng đột biến, theo chuyên trang dinh dưỡng và sức khỏe Eat This, Not That! (Mỹ).
Có nên bổ sung protein bằng khoai lang?
Khoai lang dù có hàm lượng protein thấp hơn thịt gà, thịt bò nhưng đây là nguồn protein lành mạnh không có chất béo và rất có lợi cho sức khỏe. Không những vậy, khoai lang còn rất giàu magiê, kali, vitamin A, B6 và C. Đặc biệt, magiê và kali là hai chất điện giải hỗ trợ chức năng tim mạch. Lợi ích dinh dưỡng của khoai lang không dừng lại ở đó, chúng còn giúp bổ sung nước vì khoai lang có đến 75% là nước.
Khoai lang và khoai tây, loại nào giàu dưỡng chất hơn?
Khoai lang không chỉ có nhiều tinh bột phức tạp mà còn có protein giúp hỗ trợ cơ bắp và sửa chữa tế bào. Protein trong một củ khoai lang là khoảng 3,6 gram. Hàm lượng protein này tương đương với khoai tây.
Tuy nhiên, xét tổng thể thì khoai lang vẫn mang nhiều lợi ích dinh dưỡng hơn so với khoai tây. Ngoài ra, trong khoai tây còn có hàm lượng tự nhiên chất độc solanine. Hàm lượng này thấp nên không gây hại cho sức khỏe người ăn. Một trong những nơi có hàm lượng solanine cao nhất là mầm khoai. Những người mắc một số bệnh tự miễn hay viêm nhiễm có thể gặp vấn đề sức khỏe do không dung nạp solanine.
Hơn nữa, khoai lang vượt trội hơn khoai tây vì giàu vitamin A và beta carotene. Khoai lang có vitamin A cao hơn 1.000 lần và beta carotene cao hơn gần 2.000 lần so với khoai tây. Vitamin A đóng vai trò quan trọng với sức khỏe mắt, trong khi beta carotene là chất chống oxy hóa quan trọng giúp ngăn ngừa ung thư.
Khoai lang dù chứa nhiều đường hơn khoai tây, nhưng khoai lang có chỉ số đường huyết thấp. Điều này có nghĩa là khoai lang không làm tăng nhanh lượng đường trong máu của người ăn. Lợi ích này có được là do hàm lượng chất xơ dồi dào trong khoai lang giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, nhờ đó khả năng hấp thụ đường glucose vào máu cũng chậm lại.
Ngăn ngừa táo bón
Không những vậy, chất xơ hòa tan và không hòa tan trong khoai lang còn có thể cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột và ngăn ngừa táo bón. Đây là vấn đề tiêu hóa dễ xảy ra ở những người có chế độ ăn giàu protein từ thịt.
Một số loại chất xơ nuôi dưỡng vi khuẩn trong ruột tạo ra các axit béo chuỗi ngắn giúp củng cố niêm mạc ruột. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Food cho thấy khoai lang chứa chất chống oxy hóa flavonoid và tannin giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, insulin và cholesterol, nhờ đó cải thiện sức khỏe tim mạch, theo khỏe Eat This, Not That!.
Bà Destini Moody, chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ, cho biết: “Cả chất xơ hòa tan và không hòa tan trong khoai lang đều làm chậm quá trình tiêu hóa. Khoai lang cũng là thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp nên ăn chúng với lượng vừa phải sẽ không làm tăng đột biến lượng đường trong máu”.
Khoai lang chứa nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm các vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin A, vitamin C, kali và magie. Dưới đây là những lý do khoai lang có thể giúp giảm cân, theo trang Eat This, Not That!.
Mang lại cảm giác no lâu
Khoai lang cung cấp chất xơ và carbohydrate phức tạp cho cơ thể, mang lại cảm giác no cho người ăn, từ đó giảm lượng calo nạp vào. Theo bà Moody, vỏ khoai lang chứa một số chất xơ không hòa tan. Chất xơ không thể bị phân hủy trong quá trình tiêu hóa và không chứa calo nên chúng có thể làm giảm lượng thức ăn chúng ta tiêu thụ.
Chứa nhiều chất dinh dưỡng
Khoai lang giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy nhưng lại ít calo so với một số thực phẩm chứa tinh bột khác. Vì vậy, khoai lang rất phù hợp với chế độ ăn kiêng ít calo để giảm cân.
Cung cấp prebiotic
Khoai lang còn chứa prebiotic, hợp chất thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn trong đường ruột. Prebiotic hỗ trợ tiêu hóa, giúp hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh. Theo bà Moody, hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh có thể giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn.
Chứa nhiều carbohydrate phức tạp
Nhờ vào hàm lượng carbohydrate phức tạp, khoai lang cung cấp nguồn năng lượng ổn định, hạn chế cảm giác thèm đồ ngọt. So với các loại carbohydrate khác có cùng số lượng calo, khoai lang chứa nhiều nước và tinh bột phức tạp hơn. Theo thời gian, điều này giúp quá trình giảm cân hiệu quả.
Không làm tăng đột biến lượng đường trong máu
Khoai lang có chỉ số đường huyết tương đối thấp nên chúng tác động chậm đến lượng đường trong máu. Nhờ đó, bạn sẽ không bị thiếu hụt năng lượng và ít thèm ngọt. Theo bà Moody, khoai lang không làm cơ thể tăng đột biến lượng đường trong máu, thiếu năng lượng hay đói nhanh.
Ăn quá nhiều khoai lang gây những tác dụng phụ nghiêm trọng (doctor247.vn)