Đã trưởng thành, sao vẫn nổi mụn?
Nhiều người nghĩ, mụn chỉ là “chuyện của tuổi dậy thì”. Thế nhưng thực tế, mụn hoàn toàn có thể “đeo bám” chúng ta đến tận khi trưởng thành, thậm chí muộn hơn.
Chuyện không của riêng ai
Theo các bác sĩ da liễu, tình trạng nổi mụn ở người trưởng thành rất phổ biến và hoàn toàn có thể điều trị được. Tuy nhiên, nguyên nhân gây mụn ở tuổi này lại phức tạp hơn nhiều so với giai đoạn dậy thì.
Bác sĩ Carmen Castilla (New York) chia sẻ với tờ The New York Times về tình trạng này: "Mụn ở tuổi trưởng thành thường khiến người ta bất ngờ, thậm chí cảm thấy khó chịu và xấu hổ hơn cả khi còn trẻ."
Nguyên nhân mụn ở người lớn không chỉ gói gọn trong hormone, mà còn liên quan đến thuốc men, lối sống, di truyền và thậm chí cả thực phẩm bổ sung.

Vì sao mụn vẫn "theo đuổi" bạn?
Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, mụn hình thành khi lỗ chân lông bị bít tắc bởi dầu thừa, bụi bẩn, tế bào chết. Nhưng ở người trưởng thành, có nhiều yếu tố khiến quá trình này diễn ra mạnh mẽ hơn:
- Nội tiết tố: Phụ nữ thường bị ảnh hưởng bởi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, mãn kinh hoặc khi dùng/ngừng thuốc tránh thai. Nam giới có testosterone cao cũng dễ nổi mụn hơn.
- Thuốc và thực phẩm bổ sung: Một số thuốc trị tâm thần, nội tiết, động kinh, cùng vitamin B hay whey protein đều có thể gây mụn.
- Di truyền: Nếu bạn thuộc tuýp da dầu bẩm sinh, hoặc cơ chế tái tạo da chậm khiến tế bào chết tồn đọng nhiều, nguy cơ mụn kéo dài là rất cao.
- Căng thẳng, lối sống: Căng thẳng làm tăng hormone cortisol - nguyên nhân khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, sinh mụn. Đồng thời, mất ngủ, ăn uống thiếu lành mạnh càng khiến da xấu thêm.
Cách kiểm soát mụn tuổi trưởng thành
Mụn nhẹ có thể cải thiện nhờ sản phẩm chăm sóc da không kê đơn.
1. Sữa rửa mặt chứa benzoyl peroxide là lựa chọn phổ biến nhờ khả năng diệt khuẩn, làm khô da và thông thoáng lỗ chân lông.
2. Adapalene (retinoid) và acid azelaic giúp tiêu diệt vi khuẩn, giảm mụn.
3. Acid salicylic hỗ trợ tẩy tế bào chết, hạn chế bít tắc lỗ chân lông.
Tuy nhiên, da người trưởng thành thường khô hơn do mất collagen theo tuổi tác nên dễ bị kích ứng. Khi đó, glycolic acid là lựa chọn nhẹ nhàng hơn giúp tái tạo da mà không gây khô.
Cần kiên trì từ 4-6 tuần mới thấy hiệu quả, bác sĩ Castilla khuyên. Hãy ưu tiên sản phẩm ghi “oil free”, “non-comedogenic” để tránh gây mụn thêm.

Khi nào cần gặp bác sĩ da liễu?
Nếu sản phẩm thông thường không hiệu quả, da để lại sẹo hoặc mụn làm ảnh hưởng tâm lý, hãy gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán nguyên nhân từ thuốc, chế độ ăn, bệnh lý nền...
Bác sĩ cũng sẽ loại trừ các bệnh khác dễ nhầm với mụn như rosacea (trứng cá đỏ) hoặc nhiễm nấm nang lông (malassezia folliculitis).
Tùy nguyên nhân và loại da, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bôi, thuốc kháng sinh dạng uống/bôi.