Cuối năm, bệnh đường hô hấp gia tăng
Những ngày gần đây, thời tiết thay đổi khiến số lượng bệnh nhi mắc các bệnh đường hô hấp tăng nhanh. Để phòng ngừa trẻ mắc bệnh đường hô hấp, phụ huynh nên lưu ý giữ ấm cho trẻ, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Báo Đồng Nai ngày 7/11/2023 thông tin Khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai luôn trong tình trạng quá tải.
Đang chăm con trai mới 1 tháng 20 ngày tuổi tại bệnh viện, chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) cho biết, cách đây ít ngày, con chị bị sổ mũi, ho. Chị đưa con đi khám bệnh thì bác sĩ chỉ định bé cần nhập viện để điều trị. Con chị Hiền được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi, phải thở oxy. Bình oxy được lắp ở ngay đầu giường, chị Hiền phải liên tục bế con và theo dõi để bé thở oxy theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau 2 ngày thở oxy, nếu bé tiến triển tốt sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu đường thở.
Chị Hiền chia sẻ, ở nhà chị cho con ngủ quạt vào ban ngày và ngủ máy lạnh 280C vào ban đêm. Nguồn lây bệnh của em bé do anh chị lớn đang học lớp 2 và lớp 4. Hai bé lớn này cũng đã được đưa đi khám bệnh, được kê thuốc cho về nhà uống, không phải nhập viện.
Trong khi đó, vì con gái đang còn ở cữ nên bà Nguyễn Thị Bích Ái (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) túc trực chăm cháu ngoại mới hơn 1 tháng tuổi bị ho có đờm tại Khoa Hô hấp. Bà Ái cho hay, ở nhà bà không có ai bị bệnh cảm cúm, khả năng do thời tiết thay đổi nên cháu bà bị bệnh. Do cháu còn quá nhỏ nên bà rất lo lắng.
BS CKI Đặng Công Chánh, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, thời tiết mưa, nắng thất thường khiến số bệnh nhi mắc các bệnh đường hô hấp tăng nhanh. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận và điều trị cho từ 20-30 bệnh nhi mới, tăng gấp đôi, gấp ba so với thời điểm trước tháng 10.
Độ tuổi bệnh nhi chủ yếu là dưới 5 tuổi, nhiều nhất là dưới 2 tuổi. Do khoa luôn trong tình trạng hết giường bệnh nên những trường hợp bệnh nhẹ hơn được chuyển đến nằm theo dõi, điều trị tại Khoa Tim mạch, Huyết học thần kinh. Một số trường hợp bệnh nặng phải thở oxy thì được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc.
Phòng ngừa nhiễm bệnh
Theo BS CKI Đặng Công Chánh, với những trẻ dưới 2 tháng tuổi, nếu đã mắc bệnh đường hô hấp thường bị nặng như: viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Lý do là những trẻ này đề kháng đang còn rất yếu, đường thở rất ngắn và hẹp, nếu bị bệnh dễ bị tắc đàm nặng. Với các trẻ này, bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc kháng sinh, nếu suy hô hấp thì cho thở oxy, thời gian điều trị từ 1-2 tuần.
Để phòng ngừa nhiễm bệnh đường hô hấp cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần phải vệ sinh cho em bé sạch sẽ, vệ sinh bình sữa của em bé, tránh để em bé ngậm, mút tay. Những người lớn đang bị bệnh hoặc có dấu hiệu bệnh đường hô hấp không được tiếp xúc với bé để tránh lây bệnh. Ngoài ra, cần giữ ấm cho trẻ, cho trẻ ăn uống đủ chất, chích ngừa các loại vaccine đầy đủ như vaccine phế cầu, sởi, cúm. Không cho trẻ nằm ngủ hoặc chơi đùa dưới nhiệt độ quá lạnh. Nhiệt độ phòng máy lạnh không nên quá chênh lệch với nhiệt độ môi trường bên ngoài để tránh bị sốc nhiệt.
Khi trẻ có dấu hiệu bệnh đường hô hấp, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị, không tự ý mua thuốc cho trẻ uống, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Theo Đồng Nai