Chủ đề
Cúng giao thừa Tết Giáp Thìn mâm cỗ nên có gì, khấn ra sao?
Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhà nhà sẽ chuẩn bị mâm cỗ để cúng với mong muốn cầu những điều may mắn cho năm mới Giáp Thìn 2024.
Tiến sĩ Trần Long – giảng viên khoa văn hóa học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM – cho biết đêm 30 tháng Chạp (đêm 29 tháng chạp nếu là tháng thiếu) là đêm bàn giao.
“Theo quan niệm người xưa, tất cả vị thần cũ phải về trời báo cáo và những vị thần mới trên thiên đình xuống tiếp quản trong đêm bàn giao.
Vì trần gian rộng lớn nên số lượng các vị thần đi và về đông. Bên đi vội, bên về cũng vội để tiếp quản nên mâm cúng đêm 30 tháng chạp ngoài cúng ông bà tổ tiên, còn có một mâm cúng ở ngoài trời.
Mâm cúng này thường là thức ăn nhanh, để họ đến, ăn, rồi đi nhanh. Tùy mỗi vùng miền, người dân sẽ cúng các món ăn khác nhau” – tiến sĩ Trần Long nói.
Cúng giao thừa Tết Giáp Thìn lúc mấy giờ?
Theo tiến sĩ Trần Long, trong cúng bái truyền thống, cúng giao thừa gồm có vật lễ, vật dẫn, văn lễ và lời hứa của gia chủ.
Vật lễ là hương, hoa. Thông thường mâm cúng miền Bắc có trái phật thủ, miền Trung cúng chuối, còn miền Nam cúng mâm ngũ quả.
Vật dẫn là cây nhang.
Văn lễ là lời khấn. Trước khi khấn, gia chủ sẽ viết ra thành văn bản trước khi khấn nên thành văn khấn, và được đọc trịnh trọng.
Ngày nay, các sách có hướng dẫn nội dung văn khấn cụ thể.
Sau văn lễ chính là lời hứa của gia chủ. Trong năm qua làm đúng hay sai việc gì sẽ rút kinh nghiệm trong năm mới.
Nghi lễ cúng giao thừa năm Giáp Thìn 2024 được diễn ra vào giờ tý (Từ 23h tháng chạp đến 1h sáng hôm sau – mùng 1 Tết).
Thời điểm nhiều gia đình chọn cúng giao thừa nhất là giờ chính tý (0 giờ đêm).
Thời điểm cúng giao thừa trễ nhất là trước 1h ngày mùng 1 Tết. Nếu qua thời điểm này, việc cúng sẽ không còn ý nghĩa.
Mâm cúng đêm giao thừa thường có bánh chưng hoặc bánh tét, thịt gà luộc, chả giò, xôi gấc, bánh kẹo, mứt, rượu…
Văn khấn cúng giao thừa Tết Giáp Thìn 2024
Văn khấn cúng giao thừa trong nhà theo sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam do Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin phát hành.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Nam mô Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật.
Nam mô Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.
Nam mô Đức Bồ tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh.
Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.
Các cụ tổ tiên nội ngoại chư vị tiên linh.
Nay phút giao thừa năm Giáp Thìn.
Chúng con là:…
Ngụ tại:…
Phút giao thừa vừa điểm, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu xuân, đón mừng Nguyên đán, tín chủ chúng con thành tâm tu biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật Thánh, dâng hiến Tôn thần, tiến cúng Tổ tiên, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời: Ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, Hỷ thần, Phúc đức chính thần, ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, các ngài bản gia Táo phủ thần quân và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.
Con lại kính mời các cụ tiên linh, cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, bá thúc đệ huynh, cô di tỷ muội, nội ngoại gia tộc, chư vị hương linh, cúi xin giáng phó linh sàng thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo phụ mộc ở trong đất này, nhân tiết giao thừa giáng lâm trước án, chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ, minh niên khang thái, vạn sự cát tường, bốn mùa được bình an, gia đạo hưng long, thịnh vượng.
Tâm thành cầu nguyện, lễ bạc tiến dâng, cúi xin chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần, 3 lạy).
Ngoài ra, độc giả có thể tham khảo thêm văn khấn cúng giao thừa ngoài trời trong sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. |
Theo Tuổi Trẻ