Chủ đề
Cứ mỗi 3 trẻ lại có 1 trẻ bị cận thị
Theo một nghiên cứu gần đây, hơn một phần ba trẻ em trên toàn thế giới đã bị cận thị vào năm 2023, và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên gần 40% vào năm 2050.
Cận thị (còn gọi là myopia) là tình trạng khi các vật gần rõ nét, nhưng các vật ở xa lại mờ. Theo bài báo được công bố trên Tạp chí Nhãn khoa Anh, tỷ lệ cận thị ở trẻ em và thanh thiếu niên đã tăng đáng kể trong 30 năm qua, từ 24% vào năm 1990 lên gần 36% vào năm 2023.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, Trung Quốc đã đạt được kết quả này bằng cách phân tích dữ liệu từ 276 nghiên cứu với hơn 5,4 triệu trẻ em và thanh thiếu niên ở 50 quốc gia trên tất cả 6 châu lục. Sự gia tăng này trên thực tế không quá nhanh nhưng lại tăng một cách đột biết trong giai đoạn dịch COVID-19, đồng thời cũng có sự chênh lệch giữa các vùng.
Theo báo cáo: “Cận thị đã trở thành một mối quan tâm sức khỏe cộng đồng lớn hiện nay, với những bằng chứng rõ ràng về sự gia tăng nhanh chóng trong tỷ lệ mắc, đặc biệt ở các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Trung Quốc và Đài Loan”. Trẻ em tại Đông Á có tỷ lệ cận thị cao nhất, lên tới 35%, gấp hơn hai lần so với các bạn đồng trang lứa người da trắng. Nguyên nhân một phần có thể là do trẻ em Đông Á đã phải bắt đầu học chính thức từ 2 hoặc 3 tuổi, sớm hơn so với trẻ em ở các khu vực khác. Nhật Bản đứng đầu danh sách với 86% trẻ em bị cận thị, Hàn Quốc đứng thứ hai với 74%.
Trên thế giới, trẻ em sống ở khu vực đô thị có tỷ lệ cận thị cao hơn so với trẻ em ở vùng nông thôn, trong khi tỷ lệ cận thị ở bé gái có phần nhỉnh hơn so với bé trai. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng trẻ nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường hơn người lớn. Dự báo trong tương lai, tỷ lệ cận thị sẽ tiếp tục gia tăng ở trẻ em và thanh thiếu niên, đạt 36,6% vào năm 2040 và 39,8% vào năm 2050. Tuy nhiên, phụ huynh hoàn toàn có thể có những biện pháp để bảo vệ sức khỏe mắt cho con em mình.
Các nhà nghiên cứu khuyến nghị rằng thanh thiếu niên nên “phát triển thói quen thực hành các biện pháp bảo vệ mắt thường xuyên.” “Học sinh cũng nên tăng thời gian dành cho hoạt động thể chất và giảm thời gian dành cho các hoạt động không tích cực như xem tivi, chơi game điện tử và lướt internet,” đồng thời kêu gọi giảm bớt gánh nặng bài tập về nhà cho học sinh, cũng như thúc đẩy việc kiểm tra mắt, phát hiện sớm và điều trị. Những khuyến nghị này cũng được bác sĩ Benjamin Botsford, một chuyên gia nhãn khoa tại Trường Y khoa UMass Chan, nhắc lại trong một bài viết cho The Conversation vào tháng 6. Tiến trình cận thị ở trẻ em có thể được khắc phục bằng cách nghỉ giữa giờ và tránh việc dành hàng giờ trên điện thoại hoặc máy tính.
Thời gian sử dụng màn hình kéo dài có thể gây ra mỏi mắt và khô mắt. Botsford gợi ý thực hiện theo “quy tắc 20-20-20”: “Nghỉ 20 giây mỗi 20 phút để nhìn vào vật gì đó cách xa 6 mét (20 feet). Tập trung vào việc thư giãn mắt và nháy mắt. Việc sử dụng nước mắt nhân tạo, có thể mua tại các hiệu thuốc, cũng có thể giúp giảm khô mắt.”
Đọc thêm tại: 1 in 3 children worldwide is now nearsighted, study shows | CNN