Dịch Covid-19 trở lại ở nhiều nước châu Á
Theo VnExpress, một số nước và vùng lãnh thổ châu Á ghi nhận ca Covid-19 tăng trở lại, chủ yếu triệu chứng nhẹ song giới chức y tế vẫn cảnh báo không nên chủ quan.
Từ ngày 1/1 đến 10/5, Thái Lan đã ghi nhận 53.676 ca mắc và 16 ca tử vong vì Covid-19. Bangkok là nơi báo cáo nhiều ca nhất với 16.723 người dương tính, đỉnh điểm là tuần từ 27/4 đến 3/5 với hơn 14.000 ca. Tuy nhiên, số ca nhiễm đã giảm xuống 12.543 trong tuần tiếp theo.
Số ca Covid-19 tại Singapore cũng tăng, từ 11.100 ca tuần trước lên 14.200 ca trong tuần từ 27/4 đến 3/5. Hai biến thể chính lưu hành là LF.7 và NB.1.8, đều là hậu duệ của JN.1 – hiện đã có vaccine phòng ngừa các chủng này.
Tại Trung Quốc đại lục, các chuyên gia ghi nhận số ca nhiễm tăng nhẹ trong hai tháng qua. Tỷ lệ dương tính Covid-19 trong tổng số ca bệnh triệu chứng giống cúm tăng từ 7,5% lên 16,2% trong giai đoạn 31/3 đến 4/5. Trong các ca viêm hô hấp cấp tính nặng, tỷ lệ dương tính tăng từ 3,3% lên 6,3%.
Tại Đài Loan, số lượt khám và cấp cứu liên quan đến Covid-19 gần chạm mốc 10.000 trong tuần từ 4/5 đến 10/5, tăng 66% so với tuần trước. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp ghi nhận xu hướng tăng.

Nhân viên mai táng bán vàng từ tro người chết: Chuyện khó tin ở lò hỏa táng
Theo Dân trí, một nhân viên hỏa táng lâu năm tại tỉnh Saraburi (Thái Lan) mới đây đã tiết lộ về việc ông thu thập răng vàng từ tro cốt người đã khuất suốt nhiều năm qua. Đây vốn là một nghĩa trang được cộng đồng người Thái gốc Hoa chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng.
Bất chấp những tranh cãi xoay quanh hành động có phần nhạy cảm, nhân viên nhà tang lễ vẫn giữ quan điểm rằng, việc làm của mình là hợp pháp và có đạo đức.
Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp riêng lẻ, tại Nhật Bản, một số thành phố đem bán những kim loại quý (vàng, titan) thu được sau khi hỏa táng người chết giữa bối cảnh quốc gia này chưa có quy định pháp lý về vấn đề trên.
Khảo sát hồi tháng 7/2024 của Nikkei cho thấy, trong số 88 thành phố lớn, có 42 thành phố tương đương 48%, bán kim loại khai thác từ tro cốt. Hơn 70% trong số này bắt đầu bán từ năm 2010. Tổng số tiền thu được trong 5 năm tính đến 2023 là 45 triệu USD. Do số người chết và giá kim loại tăng, số tiền thu được trong năm 2023 gấp 3,4 lần năm 2019.

Độ tuổi mắc đột quỵ ở Việt Nam trẻ hơn thế giới 10 năm
Theo VnExpress, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết thống kê tại viện trên hơn 6.600 bệnh nhân ghi nhận tuổi trung bình mắc đột quỵ là 62.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ và các nghiên cứu từ Đại học Oxford (Anh) và Đại học Y khoa Yale (Mỹ), tuổi trung bình mắc bệnh đột quỵ trong dân số nói chung dao động từ 70 đến 75 tuổi.
“Điều này có nghĩa tuổi mắc đột quỵ ở Việt Nam đang thấp hơn khoảng 10 tuổi so với số liệu các nước phát triển, hay nói cách khác là bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam đang trẻ hơn”, bác sĩ Thắng nhấn mạnh.
Không riêng ở Việt Nam, việc gia tăng tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tại các nước đang phát triển.

Google đưa chatbot Gemini lên ôtô, TV, đồng hồ
Cũng theo VnExpress, Chatbot AI Gemini sẽ thay thế trợ lý ảo Google Assistant và dự kiến xuất hiện trên các thiết bị thông minh chạy Android như TV, đồng hồ… năm nay.
Trong chương trình The Android Show: I/O Edition trước thềm Google I/O 2025 ngày 14/5, Google cho biết đang tái thiết hoàn toàn Android và lấy Gemini làm trung tâm. Chatbot AI sẽ được mở rộng “vượt xa điện thoại” và xuất hiện trên các thiết bị thông minh khác của người dùng.
Theo đó, Gemini sẽ được đưa lên đồng hồ thông minh chạy Wear OS và xe hỗ trợ Android Auto, giúp người dùng rảnh tay khi ra lệnh cho chatbot. Hãng cũng nhấn mạnh người dùng có thể nói chuyện theo ngôn ngữ thông thường, thậm chí không chuẩn từ ngữ nhưng Gemini vẫn hiểu được.
Gemini sẽ được đưa lên thiết bị Wear OS và Android Auto “trong những tháng tới”, nhưng chưa có thời gian cụ thể.
