Cộng đồng sáng tạo cùng chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 - Doctor247

Cộng đồng sáng tạo cùng chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Nhân ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12), Bộ Y tế khẳng định tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện.

Đó là cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; Mở rộng độ bao phủ các dịch vụ HIV có chất lượng để đẩy lùi và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến năm 2020 Việt Nam đã có hơn 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12), vào sáng 25/11 tại Hải Phòng, Bộ Y tế, Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm phối hợp UBND TP. Hải Phòng tổ chức mít tinh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống HIV/AIDS.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: “Năm nay đánh dấu mốc tròn 40 năm Thế giới tìm ra vi rút HIV. Việt Nam đã trải qua 33 năm ứng phó với đại dịch HIV với gần 250.000 người nhiễm HIV. Biết bao thăng trầm, cảm xúc bởi khủng hoảng do HIV gây ra đã tác động không nhỏ đến kinh tế, xã hội và sự phát triển của đất nước.

HIV không chỉ là một bệnh truyền nhiễm mà còn là vấn đề y tế công cộng của mỗi quốc gia và toàn cầu. Chúng ta đã và đang từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch nhưng những năm gần đây xu hướng dịch có dấu hiệu thay đổi, dịch tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi (từ 15-29 tuổi), các trường hợp mới phát hiện chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 80%.

Bộ Y tế đã cùng các bộ, ngành và các địa phương trên cả nước tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện: cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS. Mở rộng độ bao phủ các dịch vụ HIV có chất lượng. Huy động nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS đặc biệt là Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ về điều trị HIV/AIDS. Nhiều mô hình, sáng kiến về cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS”.

Chúng ta đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, kết quả phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đang là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS Thế giới”.

Người sống chung với HIV hơn 20 năm

Chia sẻ cảm xúc về hành trình sống chung với HIV suốt thời gian dài, chị Phạm Thị Huệ – người sống chung với HIV suốt hơn 20 năm qua cho biết:

“Những ngày đầu khi bị nhiễm HIV AIDS, chúng tôi đã từng đối mặt với việc người bị nhiễm HIV ốm không ai động viên, chăm sóc; lúc mất không ai đến chia buồn. Những khoảng thời gian đó khiến bản thân tôi vô cùng tuyệt vọng, chán nản. Không chỉ chúng tôi, ngay cả lực lượng y tế chăm sóc người nhiễm HIV cũng bị phân biệt đối xử.

Trong khó khăn đó, may mắn chúng tôi được các cán bộ y tế, các cơ quan đoàn thể nhiệt tình giúp đỡ, cung cấp những thông tin, chia sẻ kiến thức hiểu biết về HIV và tập huấn kỹ năng sống chung với người nhiễm HIV.

Qua đó, chúng tôi đã thành lập được nhóm tự lực của những người nhiễm HIV giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống; có một sức khỏe tốt, kỹ năng phòng chống không lây nhiễm cho người xung quanh.

Người nhiễm HIV giờ không còn bị phân biệt đối xử, kỳ thị như 24 năm về trước. Bản thân tôi mong rằng, toàn thể cộng đồng nhiều sức khỏe, cùng phấn đấu để AIDS không còn cướp đi sinh mạng của người Việt Nam và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Theo Bộ Y tế

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận