Cơ thể chúng ta biến đổi như thế nào khi nhiệt độ môi trường cao hơn 50°C - Doctor247

Cơ thể chúng ta biến đổi như thế nào khi nhiệt độ môi trường cao hơn 50°C

Nhiệt độ hôm nay (23/4) tại TP.HCM theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ có thể cảm nhận lên đến mức 53°C.

Cơ thể chúng ta biến đổi như thế nào khi nhiệt độ môi trường cao hơn 50°C

Cơ thể con người phản ứng thế nào trước cái nóng cực đoan?

Cơ thể chúng ta luôn cố gắng duy trì nhiệt độ lõi ở mức khoảng 37 độ C. Khi nhiệt độ môi trường tăng, thân nhiệt cũng tăng theo, và cơ thể sẽ cố gắng làm mát bằng cách giãn nở các mạch máu dưới da và tiết mồ hôi.

Việc mồ hôi bốc hơi giúp giảm nhiệt. Nhưng nếu trời quá nóng thì sao? Đến một lúc nào đó, cơ thể không thể tản nhiệt nữa, và việc đổ mồ hôi cũng không còn tác dụng.

Nghiên cứu của Giáo sư Lewis Halsey (Đại học Roehampton) cho thấy cơ thể bắt đầu rối loạn khi nhiệt độ môi trường dao động trong khoảng từ 40 đến 50 độ C.

Khi đó, tình trạng “stress nhiệt” sẽ xảy ra: chóng mặt, mệt mỏi, chuột rút, và mất thăng bằng. Nếu nghiêm trọng hơn, bạn có thể bị sốc nhiệt – với các triệu chứng như đau đầu, lú lẫn, ngừng tiết mồ hôi, tim đập nhanh, buồn nôn, ói mửa và có thể bất tỉnh.

Sốc nhiệt là tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng, có thể gây tổn thương vĩnh viễn đến các cơ quan và thậm chí tử vong.

Bên trong cơ thể, các protein bắt đầu biến tính – tức là ngừng hoạt động đúng chức năng. Điều này ảnh hưởng đến hệ thần kinh, vốn đóng vai trò điều phối toàn bộ hoạt động cơ thể.

Nếu tim bị ảnh hưởng, và vì tim cũng chỉ vốn là một khối cơ, nó hoàn toàn có thể xuất hiện rối loạn nhịp tim, khiến máu không lưu thông hiệu quả. Thiếu tuần hoàn máu đồng nghĩa với việc não và các cơ quan khác không được cung cấp đủ oxy – và hậu quả có thể cực kỳ nguy hiểm.

Cũng theo nghiên cứu của Halsey, ở nhiệt độ 50 độ C kết hợp với độ ẩm không khí 50%, tốc độ trao đổi chất của cơ thể tăng vọt – điều đó cho thấy cơ thể đang “gồng mình” để giảm nhiệt.

Tuy nhiên, sự gia tăng này còn đi kèm với việc nhiệt độ lõi trong cơ thể tăng thêm khoảng 1 độ – đây là dấu hiệu rõ ràng rằng cơ thể đã vượt ngưỡng chịu đựng và không còn khả năng tản nhiệt hiệu quả.

Làm thế nào để đối phó nhiệt độ cao?

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, từ ngày 23 tới 26/4, thời tiết TP.HCM sáng và trưa chiều trời nắng. Ở khu vực trung tâm và phía bắc thành phố có nắng nóng. Đặc biệt, trong ngày 23/4, nền nhiệt độ ngoài trời TP.HCM có thể lên đến mức kỷ lục 53°C.

Mặc dù mức nhiệt độ dự báo lên đến con số 53°C là nhiệt độ đo được trên bề mặt hấp thụ nhiệt như nhựa đường, còn nhiệt độ thực tế trong bóng râm có thể thấp hơn, tuy nhiên, mức nhiệt cao vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe.

Theo các chuyên gia, sự thay đổi nhiệt độ bất thường có thể khiến cơ thể không kịp thích ứng, dẫn đến các phản ứng tiêu cực. Nó có thể làm trầm trọng thêm các bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, hoặc gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Đặc biệt, đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời như công nhân xây dựng, người giao hàng hoặc người lao động tự do, nguy cơ gặp các tình huống sức khỏe nghiêm trọng càng tăng cao. Những người có bệnh nền dễ bị đột quỵ, nếu sốc nhiệt.

Nguồn: Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ

Nếu bạn cảm thấy chóng mặt, buồn nôn hoặc sắp ngất khi ở ngoài trời nóng – đừng cố gắng chịu đựng. Hãy tìm nơi râm mát và uống nước ngay lập tức. Sau khi đổ mồ hôi, cơ thể cần bổ sung chất lỏng để duy trì cân bằng.

Bạn có thể làm mát các khu vực tập trung nhiều mạch máu gần bề mặt da như cổ tay, gáy, ngực và thái dương bằng cách dùng đá lạnh hoặc nước lạnh – điều này giúp hạ nhiệt máu và từ đó làm giảm nhiệt độ toàn thân.

Nếu có triệu chứng của sốc nhiệt, hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt – vì đây là tình trạng khẩn cấp.

Nguồn tổng hợp

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận