Có khi nào: Xé túi mù làm chúng ta xé cả túi tiền? - Doctor247

Có khi nào: Xé túi mù làm chúng ta xé cả túi tiền?

Trào lưu xé túi mù đang khiến Gen Z mê mẩn với cảm giác hồi hộp và bất ngờ. Nhưng liệu niềm vui ấy có đi kèm với những áp lực tiêu dùng khó kiểm soát?

Muôn vàn mẫu mã túi mù khác nhau trên thị trường
Muôn vàn mẫu mã túi mù khác nhau trên thị trường

Túi mù bắt nguồn từ fukubukuro có nghĩa là “túi may mắn” trong tiếng Nhật. Hiện nay, thông qua các sàn thương mại điện tử, những túi mù với giá chỉ từ 10.000 – 50.000 đã đạt doanh thu lên đến gần 4,6 tỷ đồng, với hơn 170.000 sản phẩm đã được bán ra, đang trở thành cơn sốt trong giới trẻ hiện nay. Trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để bắt gặp những streamer, KOLs xé túi mù trên các phiên livestream của mình, thu hút hàng triệu lượt xem.

Tò mò và cảm giác phấn khích khi giải mã túi mù

Gen Z luôn tìm kiếm cảm giác mới mẻ, và trào lưu xé túi mù đáp ứng hoàn hảo nhu cầu ấy. Mua túi mù là trò chơi của sự bất ngờ – không biết bên trong sẽ là gì cho đến khi mở ra. Tính tò mò bẩm sinh khiến chúng ta bị cuốn hút bởi cảm giác này, giống như khi tham gia một trò chơi đầy ẩn số. Đây là lý do khiến người xem không thể rời mắt khỏi các video xé túi mù.

Cảm giác này còn kích thích giải phóng dopamine – “hormone hạnh phúc” trong não, khiến chúng ta càng muốn trải nghiệm lại. Theo lý thuyết tâm lý học, việc đối mặt với sự không chắc chắn này tạo nên cảm giác “đã” khi cuối cùng ta khám phá được điều bí ẩn bên trong. Đây chính là một phần lý do khiến những người trẻ thường quay lại mua thêm, không chỉ để sưu tầm mà còn vì sự “phê” mà mỗi lần xé túi mang lại.

Hơn thế nữa, xé túi mù còn cho thấy cách chúng ta muốn thể hiện bản thân. Thay vì sở hữu những món đồ cụ thể, Gen Z chọn trải nghiệm độc đáo để tạo nên sự khác biệt. Cảm giác hứng thú khi mở từng túi mù như là “signature style” của họ.

Các phiên livestream chỉ đề xé túi mù nhưng vẫn thu hút hàng triệu lượt xem
Các phiên livestream chỉ đề xé túi mù nhưng vẫn thu hút hàng triệu lượt xem

Những hiệu ứng tâm lý kích thích mua sắm

Trào lưu xé túi mù không chỉ thu hút vì cảm giác bất ngờ mà còn vì sức mạnh tâm lý đằng sau nó. Thấy hàng loạt KOL và KOC đua nhau xé túi mù trên livestream? Đây chính là hiệu ứng đám đông – một cảm giác ai cũng làm thì mình cũng phải thử. Khi có quá nhiều người cùng tham gia, chúng ta dễ có cảm giác “FOMO” – sợ bỏ lỡ – khiến mình muốn theo kịp để không bị “tụt hậu”.

Hiệu ứng kỳ vọng cũng đóng vai trò quan trọng, khiến chúng ta đặt nhiều hy vọng vào món đồ chưa biết bên trong túi mù. Mỗi lần xé túi là một lần thử vận may, và khi nhận được món đồ ưng ý, niềm vui trở nên càng “đáng giá.” Nhưng ngược lại, nếu không phải món mình thích thì sao? Dù đôi lúc thất vọng, chúng ta lại muốn thử tiếp, chỉ vì… biết đâu lần sau sẽ gặp may?

Và còn một thứ nữa – hiệu ứng Diderot: khi đã sở hữu một món trong bộ sưu tập, chúng ta dễ bị cuốn vào “vòng xoáy” sưu tầm. Ví dụ, bạn đã có một vài chú mèo hoạt hình trong túi mù, rồi bạn lại muốn cả bộ. Cứ như vậy, việc sưu tập trở thành một vòng lặp vô tận, khiến túi mù càng thêm “hút khách.”

Số lượng túi mù trước một phiên livestream
Số lượng túi mù trước một phiên livestream

Vậy thì có lợi hay có hại?

Xé túi mù vui đấy, nhưng cũng kéo theo áp lực tiêu dùng không hề nhỏ. Với “bẫy” FOMO, nhiều người sẽ không ngừng chi tiêu để không bỏ lỡ những sản phẩm đang hot. Điều này làm dấy lên một nguy cơ, đó chính là xé túi mù quá đà, vô hình chung chúng ta xé luôn túi tiền của bản thân.

Ngoài ra, sự hồi hộp khi xé túi mù cũng đi kèm cảm giác thất vọng khi không mở được món đồ như mong đợi. Đôi khi, thay vì vui vẻ, chúng ta lại thấy hụt hẫng hoặc không hài lòng với món đồ nhận được. Thế nhưng, chính cảm giác này khiến nhiều người chơi muốn mua tiếp để thử lại, tạo nên một vòng luẩn quẩn giữa mong đợi và thất vọng.

Niềm vui khi xé túi mù cũng đồng thời kéo theo hậu quả không nhỏ đối với môi trường. Phần lớn các sản phẩm trong túi mù đều được làm từ nhựa và nylon – hai loại chất liệu không thể tái chế dễ dàng. Sau mỗi lần bóc túi, chúng ta bỏ lại lượng lớn rác thải nhựa mà không tái sử dụng được, gây áp lực nặng nề lên môi trường.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, xé túi mù với nhiều người cũng là một trải nghiệm cảm xúc. Cảm giác phấn khích, hồi hộp, vui vẻ khi xé từng túi tạo nên một chuỗi trải nghiệm cảm xúc tích cực. Các video livestream bóc túi không chỉ là dịp khoe món đồ mình nhận được, mà còn là cách để tạo nên cộng đồng những người “chung sở thích.”

Tóm lại, trào lưu xé túi mù thực sự mang lại cảm giác phấn khích và sự gắn kết cho Gen Z, nhưng cũng không thể phủ nhận những áp lực và tác động tiêu cực đi kèm. Với niềm vui bất ngờ là trải nghiệm thú vị, nhưng chúng ta cần tỉnh táo, biết cân nhắc chi tiêu và lưu ý đến tác động môi trường. Hãy thưởng thức túi mù theo cách văn minh – vừa thỏa mãn sự tò mò, vừa không để mình bị cuốn vào vòng xoáy tiêu dùng bốc đồng.

“Có khi nào?” thường tập trung vào những câu hỏi, giả định không hiển nhiên hoặc ngược lại với nhận thức phổ biến. Cách tiếp cận của series này là khám phá và giải thích những điều tưởng chừng phi lý nhưng lại có lý, hoặc liên kết những thứ mà chúng ta đã không để tâm đến quá nhiều. Hoặc đơn giản, giải đáp cho câu hỏi “Có khi nào?”

FOMO – Nỗi sợ bỏ lỡ – Doctor247

Có khi nào: Động lực xuất phát từ những việc dang dở? – Doctor247

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận