Chủ đề
Có khi nào: Bạn đang tự thao túng tâm lý chính mình?
Ngày nay, chúng ta thường xuyên gặp phải áp lực phải hạnh phúc, phải hoàn thiện bản thân và xây dựng một cuộc sống tốt hơn. Những kỳ vọng này có thể đến từ gia đình, bạn bè, mạng xã hội, và thường mạnh mẽ nhất, chúng đến từ chính bản thân chúng ta.
Thế nhưng, việc cố gắng gượng ép, thao túng bản thân phải hạnh phúc mọi lúc, mọi nơi có thể dẫn đến những tác hại ngược lại. Đôi khi, điều tốt nhất mà ta có thể làm là thừa nhận sự thất vọng, giận dữ, hay thậm chí là tuyệt vọng của mình, vì đó chính là nền tảng giúp ta xây dựng một cuộc sống chân thật và ý nghĩa hơn.
Nhìn nhận sự thật về cảm xúc của mình phía sau những thao túng
Chúng ta thường nghĩ rằng để cuộc sống tốt đẹp hơn, ta phải luôn tích cực và cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy. Có những giai đoạn mà mọi thứ trở nên khó khăn và áp lực đến mức chỉ việc tồn tại thôi cũng đã là một nỗ lực đáng kể. Khi đối mặt với những biến cố trong cuộc sống, việc tự ép mình phải cảm thấy vui vẻ và cố gắng tỏ ra hạnh phúc có thể khiến chúng ta kiệt sức và càng thêm đau khổ.
Ngay cả trong những khoảnh khắc tưởng như sẽ mang lại niềm vui, như khi chuyển về sống chung với người mình yêu, sinh con đầu lòng hay bắt đầu một công việc mới, ta vẫn có thể cảm thấy không ổn. Thực tế là, những thay đổi lớn trong cuộc sống thường đi kèm với nhiều thử thách cảm xúc mà ta không lường trước được.
Điều quan trọng là chấp nhận những cảm xúc thật của mình, thay vì cố gắng giả vờ thao túng rằng mình vẫn hạnh phúc. Thừa nhận sự thật về cảm xúc giúp ta kết nối với bản thân một cách sâu sắc hơn, và đây là một trong những hành động yêu thương bản thân tốt nhất mà ta có thể làm.
Đừng thao túng chính con người mình
Việc ép buộc, thao túng bản thân phải vui vẻ khi không cảm thấy như vậy là một hình thức tự lừa dối, giống như kiểu “gaslight” mà ta tự tạo ra với chính mình. Nó làm ta nghi ngờ chính mình, phá hủy cảm nhận tự nhiên và tạo ra một cuộc sống giả tạo.
Điều này không chỉ ngăn cản chúng ta phát triển mà còn làm tăng thêm sự áp lực nội tại, khiến cho ta dễ mắc kẹt trong một vòng lặp tiêu cực. Sự thật là cảm xúc tiêu cực cũng có giá trị của chúng, chúng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân và phát triển khả năng ứng phó với những thử thách trong cuộc sống.
Những cảm xúc không thoải mái, dù là sự thất vọng, nỗi tức giận hay nỗi buồn, đều có thể trở thành động lực giúp chúng ta thay đổi. Khi ta dám đối diện với chúng một cách trung thực, ta mới có thể tìm ra con đường để tiến lên. Thực tế là việc xây dựng một cuộc sống tốt hơn không đơn thuần chỉ là tăng cường sự tích cực, mà còn cần sự chân thật về cảm xúc của mình và chấp nhận rằng những trải nghiệm khó khăn cũng có ý nghĩa riêng.
Chúng ta có thể mắc kẹt trong những tình huống không mong muốn hoặc cảm thấy không thoát ra được khỏi những mô thức tiêu cực. Nhưng khác với tảng băng trôi bị cuốn vào dòng nước xoáy, chúng ta có khả năng suy ngẫm và hiểu về những lực lượng vô hình đang giữ mình mắc kẹt. Khi ta chấp nhận rằng có những lúc mình không hạnh phúc, ta mới có thể tìm ra nguyên nhân sâu xa và thực sự thay đổi hoàn cảnh của mình.
Hãy dành cho bản thân những khoảnh khắc chân thật, để nhìn nhận những cảm xúc thật của mình. Chúng ta không cần phải hoàn hảo hay tự thao túng để luôn tích cực rằng có một cuộc sống tốt đẹp. Việc thừa nhận và đối diện với cảm xúc sẽ là nền tảng vững chắc giúp ta phát triển, và từ đó, một cuộc sống ý nghĩa hơn sẽ có thể nảy mầm.