Chuyện những ngày dịch giã: Trong trại dã chiến - Doctor247

Chuyện những ngày dịch giã: Trong trại dã chiến

Chuyện là lúc mới hội ngộ anh em, đội bác sĩ – điều dưỡng – kỹ thuật viên của UMC vốn dĩ tập hợp từ nhiều khoa, mọi người không quen nhau, nên thuở ban đầu, bạn bác sĩ bên khoa Phẫu thuật tim trẻ em giới thiệu: “M hông biết chị Linh khoa Sơ sinh hả, chỉ dễ thương lắm!” – rồi 2 thanh niên hứa hẹn sẽ phụ mình vác cái vali bự đùng lên lầu – nhưng mà tốc độ thực tế đã chậm hơn em dân quân tự vệ, nhào lại không hỏi han gì, vác vali của mình lên 2 tầng trong 1 nốt nhạc.
Sau 3 ngày ở chốn này thì tới đêm qua, anh em đã thấy bà chị “dễ thương” đó – “nổi khùng”…
Buổi sáng, mình cùng anh bác sĩ trưởng nhóm và một bạn điều dưỡng đi thăm 4 phòng bệnh được phân công.
Sống lâu ở trên đời, chuyện gì cũng sẽ gặp là có thật.
4 phòng bệnh này là “dân chợ” – họ bị đưa vào đây 5 ngày rồi mà vẫn chực chờ sẵn trên khẩu trang khi được ai đó hỏi “Sao vào đây?” – “Không biết sao vào đây luôn!” – họ đồng thanh.
Thật ra họ biết chứ, họ biết họ là diện nghi nhiễm hoặc nhiễm, và sợ lây lan cho người thân yêu của mình, nên dù là thanh niên xăm trổ, cụ già lụ khụ hay chú trung niên dạn dày sương gió – họ vẫn lẳng lặng đi theo đội chống dịch, không phản kháng gì – tựu về nơi đây, chấp nhận đời khắc khổ.
Nhưng họ sẽ vẫn nói “không biết, không hiểu” – vì sự thật là họ cần được ai đó sẽ giải thích cặn kẽ hơn những điều họ thắc mắc, những nỗi sợ vô hình có khả năng xâm chiếm và lây lan khắp cơ thể nhanh hơn cả tải lượng virus tăng sinh – nhìn ánh mắt khao khát được giải đáp của họ mà mình ước gì có cái loa tay như ở trại 26/3 của trường cấp 3 – mình sẵn sàng cầm nói cho họ nghe bằng hết những gì mình biết về con cô vít quỷ yêu này. Anh bác sĩ nhóm trưởng thấy giọng mình lạc đi thì dạt mình ra, giành phần hướng dẫn bệnh nhân các thủ tục quản lý và theo dõi. Mình nghe giọng của tất cả nhân viên y tế đều lạc tông đi.
Đến trưa, sau khi thăm bệnh, bọn mình quay về khu hành chính để họp chiến lược tiếp nhận bệnh nhân cho các thành viên còn lại trong nhóm.
Đang họp thì một người bạn cùng phòng thất thần chạy vô. Mình thấy bạn quýnh quáng, ngổn ngang. Bạn không có thời gian giải trình giải thích gì cả. Bạn vội vã thu dọn đồ đạc trong sự lính quýnh và né tránh mọi người khác. Bạn biến mất trong 1 nốt nhạc.
Chúng tôi vẫn không hiểu gì.
Ting ting… tin nhắn báo “mẫu gộp nhân viên y tế dương – ai ở đâu ở yên đó.”
Đứng hình. Tất cả đều đứng hình.
Không ai nói với ai câu gì. Mọi người quay lại chỗ nằm của mình.
Ai dương – Ai tiếp xúc dương – Vì sao dương – Dương lúc nào… Đó là những gì chạy trong đầu mình.
Và không chỉ một mẫu dương.
Thế là trong nốt nhạc thứ hai, đội UMC chúng tôi từ quản lý bệnh nhân 2 tầng đã chuyển thành cả 1 block nhà. Nhóm nhỏ của tôi quản lý 6 phòng thành hẳn 2 tầng tầm gần 300 bệnh nhân.
Nhưng số lượng trực chiến lại giảm vì trong chúng tôi có ca dương, nghĩa là các F1 tạm hoạt động tại chỗ, không rời vị trí.
Tôi đã ngồi yên tại chỗ của mình chờ kết quả mẫu đơn.
Chỉ cơ số ít người có thể trực chiến, phần lớn còn lại phải ngồi yên.
Ai chơi lâu với Linh thì cũng biết Linh ngồi yên Linh sẽ bị điên. Và chuyện đó là tiên đề khỏi chứng minh.
Để hỗ trợ hậu cần cho 3 bạn trực chiến, mình bám sát bệnh nhân qua nhóm zalo để điều phối anh em từ xa.
Chưa bao giờ mình thấy điện thoại của mình phải hoạt động vất vả đến vậy, mình là trùm trong quản lý bệnh nhân qua zalo vì mình có rất nhiều nhóm bà mẹ – em bé trong nghiên cứu. Nhưng mình thật sự đã “nổi khùng” vào cuối ngày.
Bệnh nhân chuyển nặng liên tục.
Thật ra con số chuyển nặng trên dân số bệnh nhân chung là không cao.
nhưng trên tỉ lệ nhân viên y tế thì là quá tải…
Đồng đội tôi đã không kịp bữa cơm trưa, không kịp bữa cơm chiều, vẫn trong bộ PPE nóng nực, chạy lên chạy xuống, chạy đôn chạy đáo.
Còn những người ở lại thì tắm mình trong nước khử khuẩn, không rời mắt khỏi điện thoại để theo dõi anh em, hỗ trợ ngay lập tức khi cần: cho toa, lấy thuốc, chuẩn bị bình oxy, và tức anh ách vì không thể kề vai sát cánh với đồng đội mình.
Chúng tôi đã quần quật như vậy cho tới đêm, và vẫn chưa kết thúc khi có màn code blue hoành tráng (ca nặng phải đặt nội khí quản), 2 ca chưa chuyển viện được trong đó có một thai phụ đang sốt.
Em điều dưỡng nhóm tôi nhất quyết không chịu thay ca, em muốn cùng chờ chuyển viện cho bệnh nhân.
Em chưa cơm tối, chưa uống nước.
Em đã chờ cùng bệnh nhân hơn 4,5 tiếng.
Em muốn rõ hơn về quy trình, em sợ đồng đội đến thay em sẽ khổ như em.
Tôi năn nỉ em nghỉ.
Em không nghỉ.
Chuông điện thoại reo liên hồi.
Đến điện thoại cũng hết pin – huống chi con người.
Trong lúc giải quyết các vấn đề tha thiết của bệnh nhân từ xa, điều phối anh em từ xa một cách rôm rả, tôi giật mình nhìn trộm qua những người khác. Những đồng đội bị cách ly giống tôi – họ tới lui lau nước khử khuẩn phủ trên đồ đạc – dọn sẵn vali – trầm mặc tới rợn người. “Bác ơi có được ra phụ anh em không? Khi nào được ra? Em bức bối quá, có việc gì em làm được không bác?”
Tôi nín lặng.
Sự an toàn của nhân viên y tế phải đặt ra hàng đầu.
Vì chúng tôi là người đưa cơm – người phát thuốc – người tư vấn sức khoẻ – người dọn rác – người cấp chăn mền.
Chúng tôi không thể để lực lượng mình bị thiệt hại.
Tôi đã cầu viện trợ.
Người thương gửi ngay tới chỗ tôi 100 chiếc N95 loại thường đủ chuẩn để anh em cách ly khu hành chính sử dụng khi không tiếp xúc F0.
Bạn bè yêu quý lật đật chuyển khoản vào cho tôi “Tao tin mày, xài đi, muốn xài gì thì xài, không cần giải trình giải thích.”
Người anh lớn trong Văn phòng Đoàn PTNK nhắn cho chiếc tin từ chiều nhưng tôi không kịp reply. Tới hồi mở ra thì “Thành Đoàn sẽ hỗ trợ 3M nha – 500 cái N95 3M – ok không?”
Trời ơi, đồ xịn.
Và bệnh viện hậu phương bảo sẽ đánh xe cấp cứu gửi ngay đến hiện trường cơ số N95 sẵn có cho anh em nhận bệnh.
Tới cuối ngày, chúng tôi quá tải. Tất cả bệnh viện dã chiến đều quá tải.
nhưng chúng tôi đã phát được phần cơm đúng giờ cho bệnh nhân. đã giải toả phần nào âu lo trong họ và hứa thăm khám họ mỗi ngày. cấp cứu rất kịp thời.
chúng tôi đã chuyển viện an toàn được ca bệnh nặng cuối cùng khi gà chưa gọi sáng.
chúng tôi đã ăn được bữa cơm tối lạnh tanh nhưng với tiếng cười rền vang như ăn “con cá gỗ” – hết dịch một bữa vịt quay hoành tráng ngập mặt nha!!!!
và chúng tôi bắt đầu nhắn những chiếc tin RẤT XÀM trên nhóm – không còn lễ độ, không còn khoảng cách bác/cháu gì ở đây….
Và, ngày mới của chúng tôi lại bắt đầu.
Bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh
*Tựa đề bài viết được đặt bởi Doctor247
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận