ỦA VẬY HẢ?

Chúng ta không chỉ thưởng thức âm nhạc bằng tai, mà còn bằng cả cơ thể

Hai Binh 17/07/2025 14:39

Chúng ta không chỉ thưởng thức âm nhạc bằng tai, ta gõ chân, búng tay hay thậm chí lắc lư theo nhạc, những phản ứng gần như không thể cưỡng lại.

âm nhạc

Groove - không chỉ là âm thanh, mà là phản xạ tự nhiên của cơ thể

Khi chúng ta đung đưa theo điệu nhạc, khoa học gọi đó là "groove".

Từ lâu, các nghiên cứu thần kinh học và tâm lý học đều chỉ ra rằng âm nhạc không chỉ đi vào tai, mà còn đi sâu vào hệ vận động của con người. Thậm chí, nghiên cứu từng ghi nhận những em bé mới 3 tháng tuổi đã lắc lư theo nhạc.

Hiện tượng này được cảm nhận trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong tiếng Nhật, một từ tương tự ý nghĩa với "groove" là "nori", trong tiếng Bồ Đào Nha là “balanço”, hay “svängig” trong tiếng Thụy Điển. Điều này cho thấy đây là phản ứng phổ quát của não bộ con người với âm nhạc.

Theo giáo sư Maria Witek (Đại học Birmingham, Anh), não bộ chúng ta vốn thích dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Âm nhạc, với nhịp điệu lúc đều đặn, lúc bất ngờ, chính là thử thách thú vị cho khả năng này. Đặc biệt, những giai điệu không quá dễ đoán buộc người nghe phải di chuyển, vỗ tay, gật đầu để tự "lấp đầy" khoảng trống trong tiết tấu.

Âm nhạc dường như đòi hỏi cơ thể ta tham gia để nó trở nên trọn vẹn hơn.

Giáo sư Maria Witek (ĐH Birmingham)

Vì sao có bản nhạc khiến bạn không thể ngồi yên?

Theo các nhà khoa học, những bản nhạc có nhịp điệu vừa đủ phức tạp, không quá đơn điệu, cũng không quá rối rắm, sẽ dễ tạo cảm giác “groove” nhất. Đó là lý do funk, jazz, hip-hop hay nhạc Afro-Cuban - các thể loại vốn nổi tiếng nhấn mạnh vào tiết tấu - thường khiến người nghe muốn lắc lư.

Hiện tượng này có cơ sở khoa học: não bộ luôn muốn giảm thiểu “lỗi dự đoán”. Khi tiết tấu bất ngờ xảy ra (như đoạn lệch nhịp), não nhận ra mình đoán sai, buộc phải điều chỉnh để theo kịp nhịp. Việc lắc lư, vỗ tay, nhịp chân... chính là cách cơ thể hỗ trợ não bộ "bắt lại" tiết tấu, giúp dự đoán chính xác hơn.

Đáng chú ý, nhịp độ ưa thích của não bộ để tạo cảm giác “groove” thường dao động từ 107 đến 126 nhịp mỗi phút, rất gần với tốc độ bước chân trung bình của con người.

Não bộ hoạt động ra sao khi nghe nhạc?

Một nghiên cứu vào năm 2020 sử dụng công nghệ chụp não để theo dõi 54 người nghe nhạc có tiết tấu từ vừa đến phức tạp.

Kết quả cho thấy: khi nghe những bản nhạc có độ phức tạp vừa đủ, não bộ kích hoạt mạnh các vùng liên quan tới phần thưởng, động lực và vận động như nhân đuôi (ventral striatum), vỏ não vận động, hạch nền.

Đặc biệt, các vùng kiểm soát chuyển động trong não sáng lên ngay cả khi người tham gia... không hề di chuyển. Tức là não đã chuẩn bị cho cơ thể vận động ngay khi nghe nhạc, bất kể có thực sự đứng dậy hay không.

Điều này lý giải vì sao âm nhạc luôn đi kèm chuyển động.

Thậm chí, hệ thống tiền đình - bộ phận cảm nhận thăng bằng - cũng tham gia vào trải nghiệm “groove”. Nghiên cứu tại các buổi biểu diễn điện tử cho thấy khi tăng âm trầm cực thấp (bass), dù người nghe không hẳn nhận biết bằng tai, họ vẫn di chuyển nhiều hơn khoảng 11,8%.

Âm nhạc giúp kết nối cộng đồng

Không chỉ gợi nhịp điệu cho cơ thể, âm nhạc còn có vai trò sâu sắc trong kết nối con người.

Khi nhiều người cùng nhảy múa, cùng đung đưa theo một bản nhạc, sự đồng điệu về nhịp điệu cũng đồng bộ hóa cảm xúc, góp phần xóa nhòa ranh giới cá nhân, giúp con người dễ cảm thấy gắn bó hơn.

Nếu chúng ta cùng “lắc lư theo một nhịp trống”, thì ranh giới giữa “bạn, âm nhạc và những người xung quanh” dường như chỉ còn là cái tên.

Theo The Washington Post
https://www.washingtonpost.com/wellness/2024/07/04/music-groove-complexity-rhythm/
Copy Link
https://www.washingtonpost.com/wellness/2024/07/04/music-groove-complexity-rhythm/
    Nổi bật
        Mới nhất
        Chúng ta không chỉ thưởng thức âm nhạc bằng tai, mà còn bằng cả cơ thể
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO