Chia sẻ với bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị cho biết không có mâu thuẫn song rất khó gần gũi chồng. Chị luôn bị ám ảnh tình dục bởi từ nhỏ được dạy rằng “tình dục là điều tồi tệ và không nên biết quá nhiều”. Khi lập gia đình, chị càng sợ hãi, dằn vặt, thậm chí xấu hổ khi nghĩ đến chuyện vợ chồng. Lâu dần, tần suất quan hệ thưa thớt, tình cảm vợ chồng nhạt phai.
Tương tự, chị Xuân, 30 tuổi, lập gia đình gần ba năm, liên tục tìm lý do để tránh né chuyện chăn gối. “Tôi như bị tra tấn tinh thần, sợ về nhà, sợ khi chồng gần gũi”, chị chia sẻ. Hai vợ chồng không bị áp lực con cái, song hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng nhiều. Dần dần, chồng ít về nhà hơn, bữa cơm chung thưa dần.
Ngày 9/10, bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết tình trạng này khá phổ biến, y học tình dục gọi là “Sexual Repreesion”. Người mắc hội chứng này có xu hướng không bộc lộ các khía cạnh tình dục của chính mình, luôn nghĩ rằng hành động và mọi thứ liên quan đến nó là sai. Họ thường cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ với bất kỳ vấn đề nào liên quan đến chuyện vợ chồng, thậm chí phải điều trị tâm lý vì ám ảnh quá mức và rối loạn tình dục.
Hầu hết bệnh nhân được bác sĩ tư vấn nên tâm sự với bạn bè để được giải tỏa tâm lý, tránh stress kéo dài ảnh hưởng sức khỏe. Bệnh nhân có thể cởi mở với chồng, tăng tần suất quan hệ lên để làm quen. Nếu không thể quan hệ hoặc vẫn bị ám ảnh quá mức, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hoặc điều trị tâm lý.
Dấu hiệu nhận biết là khó đạt khoái cảm, luôn từ chối quan hệ và gần gũi với bạn đời. Họ thường lo lắng, tim đập nhanh, hồi hộp, lảng tránh trước hoặc trong khi quan hệ mà không có lý do cụ thể. Chứng bệnh khiến họ xấu hổ, lâu dài dẫn đến lo âu, bất an, mất hứng thú.
Ngoài ra, thái độ và phản ứng tiêu cực với tình dục có thể gây hại đến sức khỏe và cuộc sống cá nhân. Với phụ nữ, sự căng thẳng này có thể biểu hiện như co thắt âm đạo, gây đau đớn và không thể quan hệ bình thường.