Chủ đề
Chủ đề Ngày Trái Đất 2025 và 5 cách tham gia lan tỏa
Ngày Trái Đất 2025 với chủ đề “Sức mạnh của chúng ta, Hành tinh của chúng ta” là lời nhắc nhở rằng mỗi hành động nhỏ hôm nay có thể mang lại thay đổi lớn cho tương lai Trái Đất.
Lịch sử và ý nghĩa của Ngày Trái Đất
Ngày Trái Đất ra đời vào năm 1970 tại Hoa Kỳ, là kết quả của các phong trào xã hội, sinh viên và những tiếng nói đòi hỏi bảo vệ môi trường ngày càng mạnh mẽ vào cuối thập niên 60. Đây là lần đầu tiên một ngày được dành riêng để nâng cao nhận thức toàn cầu về hệ sinh thái và sự sống còn của hành tinh xanh.
Mãi đến năm 2009, Liên Hợp Quốc mới chính thức công nhận ngày 22/4 là Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất, mở rộng quy mô hoạt động ra phạm vi toàn cầu. Kể từ đó, Ngày Trái Đất không còn là sự kiện của riêng quốc gia nào mà đã trở thành phong trào chung của toàn nhân loại.
Ngày nay, sự kiện này thu hút hơn 1 tỷ người tham gia mỗi năm, trải dài khắp các châu lục, tạo nên một mạng lưới hành động vì môi trường quy mô lớn nhất thế giới. Đây không chỉ là dịp để kêu gọi mà còn để hành động – từ cá nhân đến doanh nghiệp và chính phủ.
Với các hoạt động từ tuần hành, trồng cây, nhặt rác đến nâng cao nhận thức về tiêu dùng bền vững, Ngày Trái Đất đã, đang và sẽ tiếp tục là biểu tượng cho nỗ lực gìn giữ hành tinh chung của chúng ta.
Chủ đề Ngày Trái Đất 2025: “Sức mạnh của chúng ta, Hành tinh của chúng ta”
Năm 2025 đánh dấu lần thứ 55 thế giới cùng chào đón Ngày Trái Đất, với chủ đề đầy cảm hứng “Our Power, Our Planet” – Sức mạnh của chúng ta, Hành tinh của chúng ta”. Đây là lời hiệu triệu tập thể: mỗi người đều có vai trò, và tất cả cùng có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường sống.
Earth Day Network – đơn vị đứng sau phong trào – đặt mục tiêu tăng gấp ba sản lượng năng lượng tái tạo toàn cầu trước năm 2030, thúc đẩy sự chuyển dịch sang một hệ thống năng lượng xanh, sạch và bền vững.
Theo dữ liệu của tổ chức này, đến năm 2035, nhiều quốc gia như Hoa Kỳ có thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu điện từ nguồn tái tạo. Điều đó không chỉ có ý nghĩa môi trường mà còn mang giá trị nhân đạo: hơn 3,8 tỷ người hiện đang thiếu điện ở mức cơ bản sẽ có cơ hội được tiếp cận nguồn năng lượng giá rẻ, ổn định và thân thiện với sức khỏe.
Earth Day 2025 không chỉ là một ngày lễ mang tính biểu tượng, mà là chất xúc tác thúc đẩy hành động thật – từ từng cá nhân cho đến toàn xã hội, để hướng đến một tương lai ít carbon hơn, nhân văn hơn.
5 cách bạn có thể tham gia Ngày Trái Đất 2025
1. Nâng cao nhận thức khí hậu và giáo dục môi trường
Giáo dục là nền tảng của thay đổi. Việc nâng cao kiến thức về môi trường, năng lượng tái tạo và khí hậu, đặc biệt trong thế hệ trẻ, sẽ giúp hình thành một cộng đồng tiêu dùng bền vững và chủ động hơn với các vấn đề môi trường.
Earth Day Network nhấn mạnh vai trò của giáo dục song hành cùng giáo dục công dân trong việc thúc đẩy người dân tham gia đối thoại với chính phủ để tìm giải pháp cho khủng hoảng khí hậu. Đặc biệt, cần tăng cường hiểu biết về tác hại của rác thải nhựa – từ khâu sản xuất đến sử dụng – để mỗi cá nhân đều trở thành người tiêu dùng có ý thức.
2. Giảm thiểu tiêu thụ nhựa
Ô nhiễm nhựa là một trong những mối nguy lớn nhất với môi trường hiện nay. Việc từ bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần, chuyển sang vật liệu thân thiện và nâng cao nhận thức cộng đồng chính là hành động thiết thực.
Ngay từ thói quen hàng ngày như mang theo chai nước cá nhân, nói không với ống hút nhựa hay tái sử dụng túi vải – đều là những bước đi quan trọng. Cùng nhau thay đổi nhận thức sẽ tạo nên áp lực tích cực với nhà sản xuất, thúc đẩy sự thay đổi từ gốc rễ.
3. Trồng cây và tái tạo rừng
Trồng cây không chỉ giúp lọc không khí, giữ đất, điều hòa khí hậu mà còn tạo ra sinh kế và cộng đồng xanh. Dự án The Canopy Project của Earth Day đã trồng hàng chục triệu cây kể từ năm 2009.
Tập đoàn Iberdrola đặt mục tiêu trồng 20 triệu cây trước năm 2030, đóng góp vào cuộc chiến toàn cầu chống sa mạc hóa và biến đổi khí hậu. Mỗi người đều có thể góp sức bằng việc trồng cây tại địa phương, chăm sóc cây xanh nơi sinh sống, hoặc quyên góp cho các dự án trồng rừng quốc tế.
4. Tham gia dọn dẹp môi trường
Các chiến dịch “clean-up” (dọn rác) đang diễn ra khắp thế giới. Chỉ cần tham gia một buổi đi bộ dọc bờ biển, công viên, hay khu sinh thái để nhặt rác, bạn đã giúp giảm áp lực cho thiên nhiên và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Việc làm này không tốn kém nhưng lại tạo ra hiệu ứng cộng đồng rất mạnh mẽ, đặc biệt khi đi cùng gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp.
5. Hướng tới thời trang bền vững
Ngành thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm lớn nhất toàn cầu. Vì vậy, tiêu dùng thời trang bền vững đang là xu hướng bắt buộc, chứ không còn là lựa chọn.
Thay vì “fast fashion”, hãy ưu tiên mua đồ chất lượng, dùng lâu dài, tái sử dụng và ủng hộ các thương hiệu cam kết quy trình sản xuất thân thiện với môi trường và nhân quyền. Từ thói quen mua sắm có ý thức, bạn đang góp phần giảm thiểu rác thải vải, nước thải hóa chất và khí nhà kính trong ngành công nghiệp may mặc.
Có thể bạn sẽ quan tâm: Hít vào, thở ra, thân tâm an lạc – BS CKII. Đặng Thị Kim Huyên