'Chén chú chén anh' phiên bản rừng xanh, loài linh trưởng đã biết nhậu từ xa xưa!

25/04/2025 14:59

Có vẻ như những cuộc nhậu thời hiện đại không phải tự nhiên mà có, khi mà mới đây, các nhà khoa học đã ghi lại hình ảnh về một nhóm tinh tinh 'nhậu' bằng mít lên men.

'Chén chú chén anh' phiên bản rừng xanh, loài linh trưởng đã biết nhậu từ xa xưa!

Từ cây mít rừng đến bàn nhậu nguyên thủy

Những đoạn video ghi lại cảnh tinh tinh chia sẻ trái cây lên men chứa cồn đã khiến các nhà khoa học đặt ra câu hỏi: liệu hành vi này có liên quan đến nguồn gốc của tập quán ăn uống tụ tập ở loài người?

Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu phát hiện tinh tinh (Pan troglodytes) ăn và chia sẻ trái cây lên men trong tự nhiên tại khu vực Tây Phi.

Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy các loài linh trưởng lớn không phải con người có thể tiêu thụ rượu cùng nhau, củng cố giả thuyết rằng khía cạnh xã hội của việc uống rượu có thể bắt nguồn từ tổ tiên chung với loài người.

Con người từ lâu đã có thói quen tụ họp, ăn uống và "vui vẻ cùng nhau". Tập quán này có nhiều lợi ích xã hội như tăng sự gắn kết, mặc dù việc tiêu thụ rượu cũng mang theo những rủi ro sức khỏe.

Giờ đây, khi chứng kiến tinh tinh chia sẻ trái cây lên men, các nhà khoa học đặt ra câu hỏi: liệu chúng cũng hưởng lợi về mặt xã hội tương tự như con người khi uống rượu theo nhóm?

Đồng tác giả nghiên cứu Kimberley Hockings, phó giáo sư tại Đại học Exeter (Anh), cho biết: “Không phải lúc nào tinh tinh cũng chia sẻ thức ăn, nên hành vi này với trái cây lên men có thể có ý nghĩa đặc biệt."

“Chúng ta cần tìm hiểu thêm xem liệu chúng có chủ động tìm kiếm trái cây chứa cồn hay không và cách chúng chuyển hóa cồn ra sao – nhưng hành vi này có thể là tiền thân của tập quán 'ăn tiệc' thời nguyên thủy.”

Nghiên cứu được công bố ngày 21/4 trên tạp chí Current Biology.

Tinh tinh có thể say không?

Việc tiêu thụ rượu có thể khá phổ biến trong thế giới tự nhiên. Nhiều loại thực phẩm hoang dã như trái cây, nhựa cây và mật hoa có thể chứa ethanol – loại cồn phổ biến trong đồ uống của con người – và được nhiều loài động vật ăn, bao gồm cả linh trưởng.

Loài người đã bắt đầu sản xuất và uống đồ uống có cồn từ khoảng 9.000 năm trước. Tuy nhiên, tổ tiên của chúng ta – và của tinh tinh – đã phát triển khả năng chuyển hóa cồn mạnh mẽ hơn từ cách đây khoảng 10 triệu năm. Điều này cho thấy việc tiêu thụ cồn là hành vi cổ xưa trong họ linh trưởng.

Để tìm hiểu sâu hơn, các nhà khoa học đã theo dõi tinh tinh ăn trái cây từ cây mít châu Phi (Treculia africana) tại Công viên quốc gia Cantanhez ở Guinea-Bissau. Họ dùng camera tự động để quay lại cảnh chúng ăn và đồng thời phân tích nồng độ cồn trong trái cây.

Kết quả: nhóm nghiên cứu ghi nhận tinh tinh chia sẻ trái cây lên men trong 10 lần khác nhau, và 90% số trái cây được chia sẻ này chứa cồn.

Mặc dù nồng độ không cao so với tiêu chuẩn của con người (chỉ tối đa 0,61% – trong khi bia khoảng 5%), nhưng không rõ tinh tinh phản ứng với cồn ra sao. Có thể chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ tạo ra ảnh hưởng.

Khẩu phần ăn của tinh tinh có thể gồm tới 85% là trái cây, nếu nhiều trong số đó lên men, thì chúng có thể tiêu thụ lượng cồn đáng kể. Tuy vậy, các nhà khoa học cho rằng chúng khó có khả năng bị “say”, vì điều đó có thể làm giảm khả năng sinh tồn trong tự nhiên.

Bên cạnh yếu tố cồn, trái cây lên men còn có lợi ích thực tiễn: vỏ mềm hơn, dễ ăn hơn. Điều này có thể là lý do khác khiến tinh tinh ưa thích chúng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này củng cố giả thuyết rằng hành vi uống rượu có nguồn gốc từ lịch sử tiến hóa của loài linh trưởng. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về yếu tố "xã hội" trong hành vi này, cần nhiều nghiên cứu tiếp theo.

    Nổi bật
        Mới nhất
        'Chén chú chén anh' phiên bản rừng xanh, loài linh trưởng đã biết nhậu từ xa xưa!
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO