Chủ đề
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh bạch biến
Bệnh bạch biến là một rối loạn sắc tố da mắc phải, gây ra cả khiếm khuyết về thể chất và tâm lý ở bệnh nhân, thường xảy ra nhiều hơn ở những người có da sẫm màu.
Bệnh bạch biến là bệnh có yếu tố tự miễn gây giảm hoặc mất sắc tố ở da và niêm mạch, đặc trưng là các dát hoặc các đám giảm sắc tố có ranh giới rõ. Bệnh bạch biến chiếm khoảng 0,5-2% dân số trên toàn thế giới, 30% ở quần thể người có tiền sử gia đình mắc bệnh bạch biến.
Bệnh bạch biến gặp ở cả 2 giới nhưng có xu hướng nữ nhiều hơn nam. Bệnh có thể bắt đầu ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng hay gặp ở tuổi trẻ. Ngoài những thay đổi về thẩm mỹ, bệnh bạch biến không đe dọa đến tính mạng hay lây nhiễm. Tuy nhiên, bệnh bạch biến có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
1. Điều trị bệnh bạch biến bằng y học cổ truyền
Bên cạnh các liệu pháp y học hiện đại thì các bài thuốc dân gian chữa bệnh bạch biến cũng mang lại nhiều kết quả khả quan. Trong thực tế, một số sản phẩm thảo dược khác nhau đã được sử dụng để điều trị hiệu quả bệnh bạch biến.
Thảo dược thiên nhiên góp phần giúp vùng da bị bạch biến không có khả năng lan rộng thêm, hỗ trợ giải độc mát gan. Tuy nhiên, chữa bạch biến bằng phương pháp dân gian chỉ mang lại hiệu quả giảm bớt chứ không giúp chữa khỏi hoàn toàn bệnh bạch biến. Ngay cả y học hiện đại vẫn chưa tìm ra cách để trị dứt điểm căn bệnh này.
2. Cách chăm sóc người bệnh bạch biến tại nhà
Chăm sóc người bệnh bạch biến tại nhà là một phần quan trọng trong quá trình điều trị. Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, việc chăm sóc tại nhà đúng cách sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn, tăng cường hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nguyên tắc chăm sóc da hàng đầu đối với người mắc bạch biến là tránh nắng hiệu quả, bên cạnh đó giới hạn các chấn thương cơ học trên da vì có thể làm phát sinh thêm thương tổn mới tại vị trí bị chấn thương.
- Người bệnh bạch biến cần chủ động giảm stress, tránh dùng các chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá…
- Tuyệt đối tránh bỏng nắng, người bệnh cần chống nắng kỹ càng bằng kem chống nắng phổ rộng, có chỉ số SPF 30 +, che chắn, mặc quần áo dài và dày, đội mũ rộng vành, đeo kính râm nếu phải đi ra ngoài trời nắng.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng – 16 giờ chiều.
- Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm không chứa hương liệu, chất tạo màu để tránh kích ứng da.
- Tắm bằng nước ấm, tránh dùng xà phòng có tính tẩy mạnh.
- Làm xét nghiệm định kỳ phát hiện một số bệnh liên quan như hormone tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến yên và định lượng insulin máu.
Các bác sĩ nhấn mạnh, việc điều trị bệnh bạch biến là một quá trình lâu dài cần sự phối hợp kiên trì giữa bệnh nhân và bác sĩ. Người bệnh cần giữ vững tâm lý, tránh bi quan lo lắng làm bệnh diễn tiến nặng hơn.
3. Bệnh bạch biến có di truyền không?
Theo các chuyên gia da liễu, cho đến nay, căn nguyên của bệnh bạch biến vẫn chưa rõ, song nhiều giả thuyết cho rằng bệnh có liên quan đến yếu tố gene và các yếu tố ngoài gene. Trong đó, yếu tố gene có khoảng 20-30% người bệnh có tiền sử gia đình.
Các bác sĩ Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bạch biến có thể có yếu tố gia đình, tuy nhiên tỉ lệ thấp dưới 10% và không có cách để giảm nguy cơ bệnh bạch biến cho con. Ngoài ra, căn nguyên gây bệnh có liên quan đến rối loạn hệ thống oxy hóa – chống oxy hóa; rối loạn miễn dịch và tự miễn; sự mất bám dính của tế bào hắc tố, tự nhiễm độc hoặc thần kinh…
4. Có chữa khỏi bệnh bạch biến?
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Sáu – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bạch biến là bệnh khó điều trị nhưng khi điều trị sớm, kiểm soát tốt, các đốm trắng loang lổ hầu như trở về màu da bình thường, giúp người bệnh tự tin trở lại.
Có nhiều phương pháp được áp dụng trong điều trị bạch biến như chiếu tia cực tím; bôi corticoid làm tăng cường miễn dịch; ghép da, cắt bỏ vùng da bị tổn thương; dùng kem bôi che vùng bị bệnh nhưng chỉ mang tính chất tạm thời; dùng thuốc thảo dược… Các lựa chọn khác nhau trong điều trị bạch biến nhằm phục hồi sắc tố cho vùng da bệnh đều có những ưu điểm cũng như bất lợi riêng.
Bệnh bạch biến hiện nay chưa thể chữa khỏi được hoàn toàn nhưng vẫn có thể điều trị bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tiến triển bệnh có thể tạm dừng ở hầu như các ca bệnh bằng liệu pháp phù hợp, thường xuyên nhất bằng cách kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Hơn 75% bệnh nhân bị bệnh bạch biến đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị tích cực.
5. Mắc bệnh bạch biến có dẫn tới ung thư da hay không?
Nhiều người cho rằng bệnh bạch biến có thể khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn. Lý do là melanin bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Điều đó có nghĩa là các mảng da không có sắc tố đặc biệt dễ bị cháy nắng. Tác hại của ánh nắng mặt trời được biết là làm tăng nguy cơ ung thư da.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh bạch biến có nguy cơ phát triển khối u ác tính thấp hơn 3 lần so với những người không mắc bệnh này.
6. Chi phí điều trị bệnh bạch biến
TS.BS. Đỗ Thị Thu Hiền – Trưởng nhóm Phòng khám chuyên đề “Bạch biến và bệnh da giảm sắc tố” (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết: Để có thể khắc phục bệnh một cách triệt để thì cần một quá trình điều trị lâu dài, trước hết là giúp tình trạng bệnh không tiến triển thêm và sau cùng mới là phục hồi lại màu sắc da như cũ bằng các biện pháp từ các biện pháp điều trị toàn thân (như uống thuốc) tới các biện pháp điều trị tại chỗ (như thuốc bôi, chiếu đèn) và thậm chí là phẫu thuật.
Tùy vào từng thể bệnh, giai đoạn bệnh và tùy từng trường hợp cụ thể mà các phương pháp điều trị được lựa chọn. Để biết chính xác chi phí điều trị bệnh bạch biến, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và khám bệnh.
Theo SK&ĐS