Anh bắt hai con rận đựng trong lọ thủy tinh mang đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương. Các bác sĩ xác định đó là rận bẹn (còn gọi là rận mu), có thể bệnh nhân bị lây nhiễm từ quan hệ tình dục.
Ngày 19/6, TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Côn trùng, cho hay gọi là rận mu vì loài rận này thường ký sinh trên những vùng cơ thể có lông, ẩm ướt như vùng mu. Một số trẻ em chưa có lông mu vẫn bị rận tấn công ở mi mắt.
Rận có thể gặp với bất kỳ ai, độ tuổi nào. Như mới đây, bác sĩ tiếp nhận một bệnh nhi 5 tuổi ở Hà Nội, vào viện trong tình trạng một bên mi mắt bị rận ký sinh gây đau, ngứa, khó chịu. Rận bám sát vào chân mi mắt, khiến bờ mi của cháu nổi cộm, bác sĩ bắt được gần 20 con.
Theo TS. Dũng, rận lây từ người này sang người khác chủ yếu qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc thân mật giữa người với người. Chúng có thể bám trên chăn, ga, gối, đệm, chiếu, quần áo, dễ lây giữa thành viên trong gia đình, cả người lớn lẫn trẻ em.
Đa phần mọi người không biết mình bị nhiễm rận bởi nó không di chuyển để dễ phát hiện như con chấy. Rận mu màu sáng, hút máu người sẽ chuyển sang màu nâu đỏ. Vòng đời của chúng bắt đầu từ khi là trứng và trưởng thành hút máu kéo dài khoảng 7 ngày.
Người bị rận thường ngứa bởi chúng có hai càng như càng cua bám chắc vào da người gây ngứa và rất khó rơi ra ngoài. Đến nay, chưa có nghiên cứu nào về khả năng gây bệnh của loài rận mu, gây phiền toái nhất là ngứa, khó chịu.
Bệnh rận mu cần có thuốc điều trị riêng, thông thường chỉ một liệu trình là khỏi. Thuốc bôi chỉ sử dụng ở vùng mu theo liều lượng và chỉ định của bác sĩ.
Thu Hiền
Theo vnexpress