Chủ đề
Hội chứng hậu kỳ nghỉ: Làm gì để vượt qua sự tụt mood sau kỳ nghỉ?
Thẳng thắn là hầu hết chúng ta đều muốn một cuộc sống an nhàn, bình yên và…không phải đi làm. Đó là lí do sau mỗi kỳ nghỉ kéo dài vài ngày, người lao động thường cảm thấy rất khó khăn để trở lại nhịp sống bận rộn và rơi vào hội chứng hậu kỳ nghỉ.
Hội chứng hậu kỳ nghỉ là gì?
Hội chứng hậu kỳ nghỉ (post-vacation blues) là trạng thái buồn bã, uể oải, mất hứng thú xảy ra sau khi một kỳ nghỉ kết thúc. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường và không phải bệnh lý, nhưng nếu không nhận diện sớm và điều chỉnh, nó có thể ảnh hưởng đến tinh thần, năng suất làm việc và chất lượng cuộc sống.
Sau một kỳ nghỉ dài và thoải mái, việc trở lại nhịp sống bận rộn dễ khiến bạn cảm thấy hụt hẫng, bứt rứt, hoặc lo âu. Càng tận hưởng kỳ nghỉ nhiều, bạn càng có nguy cơ rơi vào trạng thái “lười đi làm”, “chán xã hội” hay “nhớ biển, nhớ núi”.
Dấu hiệu bạn đang gặp hội chứng hậu kỳ nghỉ
Bạn có thể đang gặp hội chứng này nếu cảm thấy:
- Khó ngủ, mệt mỏi, uể oải dù nghỉ ngơi đủ
- Không tập trung, khó bắt nhịp với công việc
- Dễ cáu gắt hoặc buồn bã vô cớ
- Nhớ nhung kỳ nghỉ, thường xuyên lướt lại ảnh cũ
- Mất động lực, không muốn quay lại nhịp sống thường ngày
Những cảm giác này thường kéo dài khoảng 1 – 2 tuần. Tuy nhiên, nếu công việc quá căng thẳng hoặc môi trường làm việc thiếu tích cực, cảm giác này có thể nghiêm trọng hơn.
Làm gì để ngăn chặn hội chứng hậu kỳ nghỉ?
Nếu bạn từng trải qua cảm giác này trước đây, hãy chuẩn bị kế hoạch từ trước để việc quay lại công việc suôn sẻ hơn. Ví dụ, dành một khoảng thời gian nhỏ trước khi đi làm lại để nghỉ ngơi, điều chỉnh lại lịch sinh hoạt. Tránh chuyển đột ngột từ “chế độ nghỉ dưỡng” sang “chế độ công việc” vì điều đó có thể khiến bạn choáng ngợp hơn.
Bạn có thể thử:
- Lên lịch trước một hoạt động khiến bạn hào hứng khi quay về
- Nhanh chóng trở lại với thói quen ngủ nghỉ hàng ngày
- Dọn dẹp gọn gàng trước khi đi để không phải đối mặt với bừa bộn khi về
- Chuẩn bị sẵn vài bữa ăn đầu tiên để khỏi rối tung khi vừa quay về
- Viết nhật ký trong kỳ nghỉ để lưu giữ những khoảnh khắc vui vẻ có thể đọc lại sau này
- Tất cả những điều này giúp bạn giảm căng thẳng và dễ dàng tái hòa nhập sau kỳ nghỉ.
Còn nếu như bạn đã lỡ chưa lên kế hoạch trước cho trạng thái này, hãy tham khảo những cách vượt qua sự “tụt mood” dưới đây nhé!
Cách vượt qua cảm giác tụt mood sau kỳ nghỉ?
1. Đừng ép mình “bình thường ngay lập tức”
Việc gọi tên và chấp nhận cảm xúc là bước đầu quan trọng để đối mặt với khó khăn một cách lành mạnh. Hãy tạo không gian cho cảm xúc xuất hiện, thay vì đè nén hoặc tự trách. Bạn có thể nói ra thành tiếng hoặc viết xuống. Ví dụ:
- “Mình thấy tiếc khi phải rời nơi nghỉ vì nơi này quá đẹp.”
- “Mình buồn vì đi làm lại đồng nghĩa với ít thời gian bên gia đình.”
- “Mình lo khi nghỉ xong là lại quay về cảnh xoay vòng giữa con cái, việc nhà, và công việc.”
- “Mình sợ cảm giác bình yên sẽ bị thay thế bằng lo âu khi phải mở email trở lại.”
Bạn hãy hiểu rằng đây là phản ứng bình thường, và cảm giác này sẽ dịu đi theo thời gian nên đừng cảm thấy quá nặng nề mà hãy đón nhận nó một cách tự nhiên nhất.
2. Suy ngẫm lại những điều trong kỳ nghỉ
Bạn không cần phải đi biển hay công viên giải trí mới có được sự thư giãn. Hãy tự hỏi: “Mình đã học được gì về bản thân trong kỳ nghỉ?”, “Hoạt động nào khiến mình thấy dễ chịu?” và “Mình có thể mang điều đó vào cuộc sống thường ngày như thế nào?”
Ví dụ, nếu bạn thấy thư thái khi ở bãi biển, có thể điều làm bạn thư giãn là không gian ngoài trời và việc tránh xa điện thoại. Vậy thì khi về nhà, bạn có thể đi dạo công viên mỗi ngày 10 phút, không dùng điện thoại – vẫn có tác dụng phục hồi như nghỉ dưỡng.
3. Dọn dẹp, sắp xếp lại không gian sống
Một căn phòng gọn gàng, một bàn làm việc sạch sẽ sẽ giúp bạn cảm thấy có động lực hơn khi bắt đầu lại. Nếu bạn rời đi trong lúc mọi thứ còn bừa bộn, hãy dành chút thời gian để dọn dẹp – đó cũng là một cách “reset” tinh thần.
4. Đặt lịch cho điều gì đó thú vị tiếp theo
Kỳ nghỉ không phải là điểm kết thúc, mà có thể là khởi đầu cho những dự định mới. Một buổi hẹn hò với bạn bè, lớp học yoga, hoặc thậm chí là… lên kế hoạch cho chuyến đi tiếp theo sẽ giúp bạn có thêm động lực để “sống tiếp”.
5. Thực hành chăm sóc bản thân mỗi ngày
Thay vì đợi đến kỳ nghỉ mới cho phép mình nghỉ ngơi, hãy tạo thói quen chăm sóc bản thân thường xuyên. Đơn giản như:
- Dành 10 phút mỗi ngày để tản bộ hoặc nghe nhạc
- Tắt điện thoại 1 giờ trước khi ngủ
- Cuối tuần gặp một người khiến bạn cảm thấy tích cực
- Dành một khoản nhỏ mỗi tháng để “nuông chiều” bản thân
Những hành động nhỏ nhưng đều đặn này sẽ giúp bạn không phải lệ thuộc vào kỳ nghỉ mới cảm thấy “được sống”.
Khi nào nên tìm sự hỗ trợ?
Nếu cảm giác buồn bã, mệt mỏi hoặc lo lắng kéo dài hơn vài tuần và bắt đầu ảnh hưởng đến công việc, mối quan hệ hoặc giấc ngủ, đừng ngại tìm đến chuyên gia tâm lý. Đôi khi, hội chứng hậu kỳ nghỉ chỉ là “bề nổi” của những vấn đề sâu hơn đang cần được thấu hiểu.
Có thể bạn sẽ quan tâm: Review giùm bạn: Lần đầu đi tiêm phòng sốt xuất huyết