Chủ đề
Các nhà khoa học: Không nên nghe theo lời khuyên sống lâu của những người trường thọ
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về lý do tại sao một số người có thể sống thọ đến cả trăm tuổi. Tuy nhiên, hầu hết đều đồng ý rằng không nên nghe theo những lời khuyên của những người sống lâu để đạt được tuổi thọ như họ.
Theo Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness, bà Maria Branyas Morera, 117 tuổi, người vừa qua đời tuần trước và là người già nhất thế giới, đã chia sẻ bí quyết sống lâu của mình là “giữ cuộc sống yên tĩnh, trật tự, duy trì mối quan hệ tốt với gia đình và bạn bè, hòa hợp với thiên nhiên, duy trì cảm xúc ổn định, không lo lắng hay hối tiếc, luôn tích cực và tránh xa những người xấu.”
Tuy nhiên, ông Richard Faragher, giáo sư chuyên nghiên cứu quá trình lão hóa sinh học tại Đại học Brighton, Anh, cho rằng có hai yếu tố chính liên quan đến việc sống thọ, và chúng không hề mâu thuẫn với nhau.
Yếu tố đầu tiên là sự may mắn. Những người sống đến trăm tuổi có thể có một số thói quen nhất định, nhưng điều đó không có nghĩa là những thói quen đó là nguyên nhân giúp họ sống lâu. Đây là một lỗi logic trong suy luận, gọi là “thiên kiến sống sót”.
“Chỉ vì ai đó có thể sống sót sau khi hút 60 điếu thuốc mỗi ngày, không có nghĩa là hút 60 điếu thuốc một ngày là tốt cho bạn,” giáo sư Faragher giải thích.
Yếu tố thứ hai là họ có những đặc điểm di truyền đặc biệt giúp họ sống thọ. Điều này có nghĩa là sức khỏe tốt của họ phần lớn nhờ vào yếu tố di truyền, theo báo Guardian.
Giáo sư lão khoa tại Đại học Brighton còn chỉ ra rằng hầu hết những người sống thọ không thường xuyên tập thể dục và chế độ ăn uống của họ cũng không phải lành mạnh, thậm chí một số người còn hút thuốc.
“Điều này đi ngược lại với những bằng chứng dịch tễ học mà chúng ta có về cách kéo dài tuổi thọ một cách lành mạnh,” ông Faragher nói. Ông cũng dẫn chứng nghiên cứu quy mô lớn cho thấy không hút thuốc, tập thể dục, uống rượu điều độ, và ăn 5 khẩu phần trái cây và rau củ mỗi ngày có thể giúp kéo dài tuổi thọ thêm 14 năm.
“Thực tế việc những người sống thọ vẫn có nhiều thói quen không lành mạnh nhưng vẫn sống lâu cho thấy họ hoặc là rất may mắn, hoặc là có gene di truyền tốt,” giáo sư Faragher cho biết thêm.
Ngoài ra, giáo sư David Gems, chuyên gia về gene học tại Đại học – Cao đẳng London, cho rằng giới tính cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trường thọ, với phụ nữ thường có quá trình lão hóa chậm hơn đàn ông.
Bên cạnh đó, sự cải thiện trong chăm sóc sức khỏe, vệ sinh, và các tiến bộ trong y học như vắc-xin phòng bệnh cúm, zona và các tiến bộ khác cũng góp phần quan trọng giúp kéo dài tuổi thọ.
Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng chính phủ các nước cần có những biện pháp giúp người dân đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn, để từ đó có thể cải thiện và kéo dài tuổi thọ của họ.
Nguồn Tổng Hợp