Ca ghép tim bằng robot đầu tiên cho người trưởng thành
Một dấu mốc lịch sử vừa được ghi nhận tại Trung tâm Y tế Baylor St. Luke’s (Houston, Hoa Kỳ): các bác sĩ phẫu thuật đã thực hiện thành công ca ghép tim hoàn toàn bằng robot đầu tiên trên một bệnh nhân trưởng thành.
Đây là lần đầu tiên phương pháp này được ghi nhận tại Hoa Kỳ và có thể mở ra hướng đi mới cho các ca phẫu thuật ghép tim phức tạp trong tương lai.
Phẫu thuật không mở ngực: Ít đau, hồi phục nhanh hơn
Trong các ca ghép tim truyền thống, bác sĩ thường phải cắt xương nằm giữa ngực (xương ức) để mở rộng lồng ngực và tiếp cận quả tim. Đây là thao tác xâm lấn lớn, dễ gây đau đớn kéo dài, chậm lành vết mổ và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng – nhất là với bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép.
Tuy nhiên, trong ca mổ đặc biệt này, GS.TS Kenneth Liao cùng đội ngũ của mình đã sử dụng robot để thực hiện các đường rạch nhỏ, chính xác trên cơ thể. Quả tim bị hỏng được lấy ra và tim mới được đưa vào thông qua vùng bụng dưới, thay vì rạch rộng vùng ngực như cách truyền thống. Điều này giúp giữ nguyên được cấu trúc xương và cơ vùng ngực, hỗ trợ quá trình hô hấp và vận động sớm sau mổ.
“Không cần cắt mở ngực giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, cải thiện chức năng hô hấp và giúp bệnh nhân đứng dậy, đi lại sớm hơn,” GS Liao chia sẻ. Ông hiện giữ vai trò lãnh đạo lĩnh vực phẫu thuật tim và hỗ trợ tuần hoàn tại Trường Y Baylor và Trung tâm Y tế Baylor St. Luke’s.

Nhiều lợi ích bất ngờ
Ngoài việc giảm tổn thương mô, kỹ thuật ghép tim bằng robot còn hạn chế chảy máu, từ đó giảm nhu cầu truyền máu - một yếu tố quan trọng giúp tránh nguy cơ hình thành kháng thể chống lại tim mới, vốn là nguyên nhân khiến một số ca ghép thất bại trong thời gian dài.
Bệnh nhân trong ca mổ là một người đàn ông 45 tuổi, bị suy tim nặng và phải nhập viện từ tháng 11 năm 2024. Trong thời gian chờ ghép, anh được hỗ trợ bằng nhiều thiết bị y tế để duy trì chức năng tim. Ca ghép diễn ra vào đầu tháng 3 năm 2025, và bệnh nhân đã xuất viện sau khoảng một tháng, không gặp biến chứng nào.
Tương lai của phẫu thuật tim chính xác và ít xâm lấn
Chia sẻ về thành công này, GS Todd Rosengart, Trưởng khoa phẫu thuật tại Trường Y Michael E. DeBakey Baylor, cho biết: “Đây là một bước tiến vượt bậc trong việc khiến cả những ca phẫu thuật phức tạp nhất trở nên an toàn hơn. Chúng tôi rất tự hào được giới thiệu thành tựu này với thế giới.”
Bác sĩ Bradley T. Lembcke, Chủ tịch bệnh viện Baylor St. Luke’s, cũng khẳng định: “Thành tựu này không chỉ là niềm tự hào mà còn củng cố vị thế của chúng tôi như một trong những trung tâm y tế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực ghép tim và điều trị các bệnh lý phức tạp.”

Công nghệ robot trong phẫu thuật không còn là tương lai xa vời, mà đang dần trở thành hiện thực, mở ra hy vọng mới cho người bệnh tim mạch trên toàn thế giới. Với những ca ghép tim đầu tiên như thế này, y học hiện đại đang từng bước giúp quá trình điều trị trở nên nhẹ nhàng hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn cho người bệnh.