Bệnh tay chân miệng đang dần vào đỉnh dịch - Doctor247

Bệnh tay chân miệng đang dần vào đỉnh dịch

Trong môi trường gia tăng số ca nguy kịch, Cục trưởng Y tế Dự phòng Phan Trọng Lân tỏ ra lo ngại vì có thể đỉnh dịch tay chân miệng sẽ sớm.

“Đỉnh dịch mọi năm thường vào mùa tựu trường tháng 9, tháng 10 nhưng hiện bắt đầu gia tăng sớm, do đó đỉnh dịch năm nay có thể đến sớm hơn”, ông Lân nói trong buổi làm việc của Bộ Y tế tại Bệnh viện Nhi đồng 1 về phòng chống dịch, sau khi đi thực địa tại một trường mầm non và cụm dân cư, chiều 22/6.

Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, 5 năm qua kể từ sau đợt dịch 2018, số ca tay chân miệng nặng rất hiếm gặp. Năm nay xuất hiện chủng Enterovirus 71(EV71) có đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao nên ca nặng tăng. Sở Y tế TP HCM ghi nhận số ca tay chân miệng tăng gần 150% trong một tháng qua, nhiều ca nặng.

Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, tỷ lệ bệnh nhân nặng tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái, dù số lượng bệnh nhân không nhiều. Nơi này ghi nhận 4 ca tử vong từ các địa phương khác chuyển đến. Tuần qua, viện tiếp nhận hơn 10 bệnh nhi tay chân miệng tình trạng nặng, nguy kịch, phải thở máy, trợ tim, trong khi hai tuần trước không có ca nào nặng cần hồi sức. Trước số ca nặng đang tăng, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cũng “tiên đoán năm nay có thể đỉnh dịch đến sớm”.

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Pasteur TP HCM, lo ngại dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp trong bối cảnh số ca tại các địa phương đang tăng.

Hoạt động giám sát tại khu vực phía Nam ghi nhận hơn 50% mẫu bệnh phẩm tay chân miệng là chủng Enterovirus 71 (EV71). Đây là chủng có đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao, làm tăng ca nặng tăng, là tác nhân gây các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018.

Theo phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, các bệnh viện tuyến cuối của thành phố như ba bệnh viện nhi và Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM gần đây tiếp nhận các ca bệnh nặng tăng.

“Khó khăn trong tay chân miệng là bệnh diễn tiến nhanh, vấn đề quan trọng nặng là kịp thời nhận biết dấu hiệu chuyển nặng để xử trí, chuyển tuyến kịp thời”, bác sĩ Châu nói, đồng thời bày tỏ “quan ngại vì số ca nặng ở các tỉnh đang tăng, khi số ca tăng thì sẽ có tỷ lệ bệnh nặng”.

dich-tay-chan-mieng-den-som-anh-1
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương (tóc ngắn, ở giữa) thăm trẻ tay chân miệng nặng tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Lê Phương

Thời gian qua, nguồn cung ứng một số thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng nặng (Immunoglobulin, Phenobarbital tiêm truyền) gặp khó khăn do nguồn cung khan hiếm toàn cầu. Đầu tháng 6, Sở Y tế TP HCM đề nghị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc. Dự kiến, tháng 7 thành phố sẽ có khoảng 4.000 lọ Immunoglobulin để phân phối đến các bệnh viện.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao công tác điều trị, dự trữ thuốc điều trị bệnh nặng, hỗ trợ tuyến dưới của các bệnh viện tuyến cuối tại TP HCM. Các bệnh viện cần dự kiến nhu cầu các thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh mới nổi để ngành y tế địa phương kết nối các nhà cung ứng để chủ động kế hoạch nhập khẩu.

Trước tình hình đỉnh dịch có thể đến sớm, TP HCM đã có kịch bản ứng phó theo các cấp độ dịch. Các bệnh viện tuyến cuối tăng cường điều phối, thu dung, phân cấp điều trị. Ngoài ra, ngành y tế cũng tổ chức đào tạo, huấn luyện liên tục, chia sẻ rút kinh nghiệm điều trị, đồng thời tuyên truyền người dân cách phòng bệnh, đến cơ sở y tế sớm khi có các dấu hiệu bệnh.

“Việc các chuyên gia tăng cường hướng dẫn tuyến dưới phát hiện sớm để xử trí sớm, hạn chế chuyển nặng rất quan trọng”, ông Lân nói.

Thanh Nguyên

Theo vnexpress.net

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận