Bệnh tâm thần do đâu mà có?
Càng ngày, chúng ta càng nghe nhiều về cụm từ “Sức khỏe tinh thần” bên cạnh “Bệnh tâm thần”. Vậy sức khỏe tinh thần là gì? Bệnh tâm thần do đâu mà có?
Sức khỏe tinh thần bao gồm sức khỏe cảm xúc, tâm lý và xã hội. Trạng thái sức khỏe tinh thần ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của một cá nhân.
Ngoài ra, tình trạng sức khỏe tinh thần tích cực hỗ trợ cách ứng phó với căng thẳng cá nhân và các mối quan hệ, đồng thời giúp đưa ra những lựa chọn thấu đáo. Sức khỏe tinh thần rất quan trọng trong mọi giai đoạn phát triển, từ thuở thơ ấu, thanh thiếu niên cho đến tuổi trưởng thành.
Mặc dù các thuật ngữ thường được sử dụng thay thế nhau nhưng sức khỏe tinh thần kém và bệnh tâm thần là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt. Một người có thể trải qua giai đoạn sức khỏe tinh thần kém nhưng không nhận chẩn đoán có bệnh tâm thần.
Tương tự, một người được chẩn đoán có bệnh tâm thần vẫn trải qua những thời điểm khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội.
Vì sao sức khỏe tinh thần rất quan trọng?
Sức khỏe tinh thần và thể chất đều quan trọng ngang nhau đối với sự khỏe mạnh toàn diện ở một cá nhân. Ví dụ, trầm cảm làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại vấn đề sức khỏe thể chất, đặc biệt là các tình trạng dài hạn như tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ. Tương tự, sự hiện diện của các bệnh/rối loạn mãn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần.
Liệu sức khỏe tinh thần của một người sẽ thay đổi theo thời gian?
Chúng ta cần nhớ là sức khỏe tinh thần có thể thay đổi theo thời gian dựa trên nhiều yếu tố. Khi một người đối diện với những thách thức vượt quá nguồn lực và khả năng ứng phó, sức khỏe tinh thần của họ có thể bị ảnh hưởng.
Ví dụ, nếu ai đó ở trong tình trạng làm việc quá độ, chăm sóc người thân hoặc gặp khó khăn về kinh tế, sức khỏe tinh thần của họ có thể trở nên kém đi.
Bệnh tâm thần do đâu mà có?
Các nghiên cứu cho thấy không có nguyên nhân duy nhất dẫn tới bệnh tâm thần. Một số yếu tố có thể góp phần vào nguy cơ mắc bệnh tâm thần:
- Cá nhân có trải nghiệm khó khăn giai đoạn đầu đời, gặp các sang chấn hoặc từng bị lạm dụng (ví dụ: lạm dụng trẻ em, tấn công tình dục, chứng kiến bạo lực, v.v.)
- Trải nghiệm liên quan đến các tình trạng y tế đang diễn ra (bệnh mãn tính), chẳng hạn như ung thư hoặc tiểu đường
- Các yếu tố sinh học hoặc sự mất cân bằng hóa học trong não
- Sử dụng rượu hoặc chất gây nghiện
- Cảm giác cô đơn hoặc bị cô lập
Để hiểu và chăm sóc tốt cho sức khỏe tinh thần, chúng ta cần đi một hành trình dài với chính bản thân. Mong là ai trong chúng ta cũng thật kiên trì bước đi.
Theo MentalHealth.gov/Nhật Trần biên dịch