Chủ đề
Bệnh nhẹ biến nặng bởi chữa theo ‘đơn thuốc người quen’
Sợ cảnh xếp hàng chờ đợi khi khám bệnh trầm cảm, bà Mai được người quen giới thiệu uống nhiều loại thuốc từ thảo dược đến tây y, tình trạng nặng hơn, thậm chí muốn tự sát.
Khoảng 8 tháng trước, bà Mai 64 tuổi, ở Vĩnh Phúc, bắt đầu có dấu hiệu mất ngủ, thỉnh thoảng bị lo âu, hoảng loạn, hay tỉnh giấc giữa đêm do gặp ác mộng. Bà kinh doanh một nhà thuốc lớn, có nhiều bạn bè trong ngành dược nên khi mắc bệnh được giới thiệu nhiều loại thuốc chữa lo âu, trầm cảm.
Đầu tiên, bà uống các thuốc ngủ thảo dược, song tình trạng không thuyên giảm. Sau đó, bà uống thuốc an thần, rối loạn lo âu khác do bạn bè tư vấn, có loại được sản xuất trong nước, có loại nhập khẩu từ nước ngoài, hoặc hàng xách tay. Vài ngày sau, người phụ nữ càng cảm thấy lo âu, hoảng sợ, tâm trạng tiêu cực, thậm chí buồn ngủ, vật vã.
Kéo dài được nửa năm, người nhà phải đưa bà vào Bệnh viện Lão khoa Trung ương khám do bệnh nhân có dấu hiệu muốn tự sát, trầm cảm nặng. Đọc tiền sử uống thuốc của bệnh nhân, bác sĩ nhận định việc tự ý sử dụng thuốc khiến người phụ nữ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng. Trong đó, dừng thuốc đột ngột khiến tình trạng người bệnh tăng nặng, nếu không nhập viện kịp thời sẽ để lại hậu quả nguy hiểm.
Tương tự, người đàn ông 45 tuổi đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám, chìa ra lọ thuốc mua từ người quen, được giới thiệu là bổ gan. Cầm lọ thuốc, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Bộ môn Nội tổng hợp, ngạc nhiên nói đây là Tenofovir – một loại thuốc diệt virus viêm gan B.
“Tuy nhiên, bệnh nhân này không bị viêm gan B và đây là thuốc kháng virus, uống vào gây hại cho gan, thận”, bác sĩ nói. Chưa kể, bệnh nhân từng ghép thận, cần tuân thủ nghiêm ngặt đơn thuốc theo chỉ định bác sĩ. Song, người bệnh chia sẻ đây là “thuốc được cho”, với quảng cáo là bổ, rẻ nên tin dùng.
Trường hợp khác, bệnh nhân 75 tuổi, đi khám do mệt mỏi, suy thận mạn, kali trong máu cao bất thường. Vài năm trước, ông bị hạ kali, được kê thuốc tăng cường và khuyến cáo ăn nhiều quả ngọt để sức khỏe ổn định. Do đó, ông ăn rất nhiều quả, đặc biệt là xoài, sầu riêng, nhãn, vải… và mua thêm kali uống.
Bác sĩ Thanh cũng nhận được nhiều câu hỏi của bệnh nhân xin tư vấn về thuốc. Như cô gái 32 tuổi, bị viêm gan B và suy thận, gửi ảnh thuốc hỏi ý kiến bác sĩ “nên uống không” vì nghe mọi người khen uống vào khỏi bệnh. Bác sĩ xác định thực chất đây chỉ là thuốc điều trị viêm gan C.
Tình trạng người dân tự uống thuốc không cần thăm khám và chỉ định của bác sĩ rất phổ biến và diễn ra nhiều năm nay. Lý giải tình trạng này, bác sĩ Thanh cho rằng chủ yếu do mọi người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin dẫn đến “tiền mất, tật mang”. Song, nhiều trường hợp hiểu biết, có nhiều mối quan hệ, có điều kiện kinh tế, tiếp cận nhiều thông tin và lời khuyên nhưng liều uống thử, thay vì đi viện.
“Tự uống thuốc theo người quen như thế này rất nguy hiểm, do người bệnh không nắm được rõ tình trạng sức khỏe bản thân và bệnh trạng, chưa kể nhiều loại thuốc kết hợp với nhau dẫn đến tác dụng phụ”, bác sĩ nói.
Bác sĩ ví dụ nhiều bệnh nhân mặc định hoặc tự tìm hiểu trên mạng là bị bệnh thận phải ăn nhạt và giảm rau quả. Tuy nhiên, thực tế tùy từng người bệnh và bệnh lý, bác sĩ sẽ có chỉ định khác nhau. Thông thường, người bị suy thận thường ăn giảm muối nhưng nhóm bệnh kẽ thận mạn cần bổ sung muối tránh mất muối và mất nước. Hoặc, không phải cứ bệnh thận là phải kiêng rau quả, như bệnh nhân bị hội chứng thận hư thường phải kê chế độ ăn tăng thêm rau quả do bị mất qua nước tiểu.
Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối làm lọc màng bụng thường xuyên bị hạ kali máu do mất qua dịch lọc nên cần bổ sung kali. Trong khi đó, hầu hết bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối dù đã chạy thận nhân tạo chu kỳ vẫn phải giảm những thực phẩm giàu kali.
“Do đó, liên quan đến sức khỏe, mọi người cần cẩn thận kiểm chứng lại từ những người có chuyên môn, bởi sau cùng người thiệt thòi nhất vẫn là người bệnh”, bác sĩ nói,
Thói quen “nghe người ta mách và tự uống thuốc” cũng phổ biến ở bệnh nhân ung thư, khiến người bệnh bỏ lỡ “giai đoạn vàng”, tốn kém kinh tế, tiên lượng kém hơn. Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, nói nhiều bệnh nhân bỏ điều trị, về uống thuốc nam, thực phẩm chức năng khiến bệnh nặng hơn. Khi bệnh tiến triển trở lại, bệnh nhân có thể sẽ phải đổi sang phác đồ thuốc mới với chi phí đắt hơn hoặc nhiều tác dụng phụ, thậm chí không có thuốc điều trị.
Ngoài ra, không tuân thủ điều trị, thậm chí dừng thuốc có thể gây biến cố nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, suy tim, phù phổi cấp, đột quỵ não. Bệnh nhân tự ý dừng thuốc khi bệnh ổn định có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc (nhờn thuốc). Nếu muốn thay đổi bác sĩ điều trị, khi đi khám cơ sở y tế khác cần mang đầy đủ hồ sơ bệnh án để tránh tốn kém thời gian tiền bạc.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần đọc kỹ đơn thuốc của mình, không tự ý kê đơn hay uống theo đơn thuốc của người khác. Bệnh nhân cần sắp xếp thời gian tái khám đúng theo lịch hẹn. Không tích trữ thuốc, không tự ý dùng kháng sinh. Khi cơ thể có bất thường cần đi khám để tránh biến chứng nặng nề hơn.
( Theo VnExpress )