Bảo vệ đường hô hấp cho trẻ mùa nắng nóng
Mùa hè thời tiết nóng ẩm, là điều kiện rất tốt cho vi khuẩn sinh sôi và truyền bệnh. Hơn nữa, mùa hè khi hoạt động, mồ hôi ra nhiều, nếu không kịp thời thay quần áo, mồ hôi sẽ ngấm ngược, dễ gây viêm đường hô hấp và viêm phổi.
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em, nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ước tính mỗi năm một em bé dưới 5 tuổi có thể mắc phải từ 3 – 8 lần nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
Phần lớn trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính sẽ tự khỏi trong vòng 1 tuần khi được chăm sóc đúng cách. Nhưng cũng có đến 1/3 trường hợp, bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính sẽ diễn tiến thành viêm phổi.
Dấu hiệu nhiễm khuẩn hô hấp
Dấu hiệu đầu tiên và sớm nhất đó là trẻ thở nhanh hơn bình thường. Khi trẻ bị viêm phổi, phổi của trẻ sẽ mất tính mềm mại và không thể giãn nở dễ dàng khi trẻ hít thở mà hậu quả là trẻ có thể bị thiếu oxy. Vì vậy trẻ buộc phải thở nhanh hơn để bù đắp lại sự thiếu hụt này.
Thế nào là thở nhanh? Chúng ta có thể kiểm tra bằng phương pháp rất đơn giản: Đếm nhịp thở của trẻ trong trọn một phút để xem trẻ có thở nhanh hay không. Gọi là thở nhanh khi: Nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên ở trẻ dưới 2 tháng. Từ 50 lần/phút trở lên ở trẻ từ 2 – 11 tháng. Từ 40 lần/phút trở lên ở trẻ từ 12 tháng – 5 tuổi.
Ngoài thở nhanh, những trẻ bị viêm phổi nặng, trẻ nhỏ bị viêm phổi khi thở còn bị co lõm lồng ngực. Trường hợp này chứng tỏ bệnh viêm phổi đã nặng, cần nhập viện ngay để điều trị.
Đặc biệt, nếu trẻ có các dấu hiệu sau đây, bắt buộc phải đưa trẻ đi cấp cứu càng sớm càng tốt, nếu không tính mạng trẻ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng:
Trẻ dưới 2 tháng: bỏ bú hoặc bú kém, co giật, trẻ ngủ li bì – khó đánh thức trẻ dậy, sốt hoặc lạnh, thở khò khè.Trẻ từ 2 tháng – 5 tuổi: trẻ không thể uống được gì cả, co giật, ngủ li bì – khó đánh thức, thở có tiếng rít, suy dinh dưỡng nặng.
Hạn chế nhiễm khuẩn hô hấp
Nhiễm khuẩn hô hấp nếu không được điều trị dứt điểm dễ tái phát, ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí tử vong cho trẻ. Vị vậy các bậc cha mẹ cần tuân thủ tốt những yêu cầu sau:
– Cho trẻ uống kháng sinh thích hợp, đúng cách, đủ liều và đủ thời gian. Nếu trẻ ói trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc, cần cho bé uống lại một liều khác.
– Điều trị các triệu chứng kèm theo: sốt, khò khè.
– Cần phải tăng cường cho trẻ ăn, bú, tránh các tập quán kiêng ăn.
– Làm thông thoáng mũi để trẻ có thể bú, ăn dễ dàng hơn.
– Cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc tăng cường cho trẻ bú. Đây là điều rất quan trọng vì trẻ bị viêm phổi cần được cung cấp nhiều nước để làm loãng đờm, dịu họng, giảm ho.
– Không nên lạm dụng các loại thuốc ho để kìm hãm phản xạ có lợi này của trẻ nhất là khi hiện nay có nhiều loại thuốc ho có thể gây ngộ độc, tác dụng phụ quan trọng ở trẻ em nếu dùng không đúng cách.
– Đưa trẻ đến khám lại bao gồm tái khám theo hẹn và khám lại ngay lập tức khi trẻ trở nặng.
– Đến gặp bác sĩ ngay khi thấy trẻ có một trong các dấu hiệu sau: thở khó khăn (thở nhanh hơn – mạnh hơn, thở co lõm lồng ngực), trẻ không thể uống được nước, trẻ trở nên mệt lả, sốt cao.
My Châu
Theo Ngành Y tế Hà Tĩnh