Đi nắng nóng về liền nằm máy lạnh, bị đột quỵ: Bác sĩ nói gì? - Doctor247

Đi nắng nóng về liền nằm máy lạnh, bị đột quỵ: Bác sĩ nói gì?

Thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm co mạch máu, tăng trương lực mạch máu, khiến huyết áp cao, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Mới đây, một người đàn ông (49 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP HCM) vừa đi nắng về thì bật quạt kèm máy lạnh để nghỉ ngơi. Sau đó, người này có các biểu hiện chóng mặt, đau đầu, huyết áp cao, được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán đột quỵ.

dot-quy-01
Bệnh nhân bị đột quỵ được can thiệp kịp thời.

Ngày 9.5, TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết khi trời nắng nóng, thân nhiệt tăng cao, cơ thể bài tiết mồ hôi nhiều hơn và gây mất nước. Nếu không bổ sung nước kịp thời thì máu sẽ đặc hơn, lưu thông kém và làm tăng huyết áp. Hoặc đang đi ngoài nắng về nhà bật máy lạnh ở nhiệt độ thấp đột ngột sẽ làm co mạch máu, tăng trương lực mạch máu, khiến huyết áp cao, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

“Các yếu tố này kết hợp với các bệnh nền hoặc các vấn đề sức khỏe như cao cholesterol, béo phì… làm tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối (các cục máu đông) gây tắc nghẽn mạch máu. Lúc này, dòng máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, tăng nguy cơ đột quỵ. Sốc nhiệt cũng có thể gây ra thiếu máu cục bộ ở tĩnh mạch và động mạch, từ đó làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng này. Đây là những nguyên nhân gây sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng”, bác sĩ Đức chia sẻ.

Vào mùa hè nhiệt độ tăng cao, người già, người có bệnh lý nền dễ cảm thấy mệt mỏi, quên sử dụng thuốc, làm tăng khả năng đột quỵ. Dùng rượu bia để giải khát khi nóng, ngồi phòng máy lạnh rồi đi ra ngoài nắng hoặc ngược lại khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột, cơ thể chưa kịp thích nghi; tắm nước lạnh ngay sau khi đi nắng về… đều là những yếu tố nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ.

Ai dễ bị đột quỵ, sốc nhiệt do nắng nóng?

Những người thường bị sốc nhiệt và đột quỵ do thời tiết nắng nóng bao gồm: trẻ em; người từ 65 tuổi trở lên; người có bệnh nền hoặc bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa…

Người sống trong khu vực đô thị ít cây cối và bóng râm; người thường xuyên làm việc, hoạt động dưới trời nắng, nhất là vào giữa trưa; người uống không đủ nước; người có thói quen uống rượu bia hoặc hút thuốc quá nhiều… cũng có nguy cơ.

Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ, người bệnh sẽ có những biểu hiện ban đầu điển hình như: mệt mỏi, tê yếu, mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp, trụy mạch, sốt cao (từ 39 – 40 độ C), hôn mê… Theo bác sĩ Minh Đức, các biểu hiện của hai tình trạng tương đối giống nhau nên có thể gây nhầm lẫn, làm chậm trễ cấp cứu.

Cách xử trí khi phát hiện đột quỵ

Phát hiện sớm dấu hiệu đột quỵ giúp cấp cứu trong thời gian “vàng” bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (3 – 4,5 giờ, có thể mở rộng đến 6 giờ trong một số trường hợp). Nếu muộn hơn, sẽ được can thiệp nội mạch lấy huyết khối.

Trong thời gian chờ đợi cấp cứu, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc. Người nhà nên giữ cho người bệnh tránh bị té ngã, cho nằm cao đầu, lập tức đưa đến bệnh viện có sẵn điều kiện, máy móc, thuốc chuyên dụng để can thiệp đột quỵ kịp thời.

Bác sĩ Đức khuyến cáo, những người từng bị sốc nhiệt và đột quỵ có thể sẽ dễ tái phát do nắng nóng. Mọi người cần chủ động đề phòng bằng cách hạn chế làm việc, vận động quá sức ngoài nắng. Người ở ngoài nắng cần mặc quần áo rộng rãi, bổ sung nước đầy đủ, nghỉ giải lao phù hợp. Khi ở ngoài nắng vào nhà, tránh vào phòng lạnh ngay lập tức vì có thể gây sốc nhiệt. Những người có nguy cơ nên tầm soát đột quỵ định kỳ để kịp thời phát hiện các yếu tố bất thường, ngăn chặn đột quỵ xảy ra.

My Châu

Theo Thanh Niên

 

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận